Máu của bệnh nhân COVID-19 trở thành hàng ‘nóng’ trên thị trường

Nhu cầu về “mặt hàng” này giúp môi giới thu lợi lớn, nhưng đặt ra thách thức đối với những công ty chuyên xét nghiệm kháng thể khi mức giá là 1.000 USD/mm huyết tương.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhân hiến huyết tương sau khi được điều trị khỏi bệnh COVID-19 tại Dulles, bang Virginia, Mỹ ngày 22/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, ngành kinh doanh không tên này vụt sáng nhờ cuộc đua phát triển các bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19, sử dụng mẫu máu để xác định xem một người có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Hình thức xét nghiệm này được xem là chìa khóa để nới lỏng đóng cửa vốn là nhân tố đóng băng hoạt động kinh tế trên thế giới. 

Nhu cầu tăng vọt tạo cơ hội kiếm tiền cho những nhà buôn - thường được gọi là trung gian bán máu, những người kiểm soát mặt hàng này. Nhưng với các công ty xét nghiệm, mức giá cao đối với máu của bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục đang tạo ra rào cản đối với việc mở rộng xét nghiệm. 

“Đây là quãng thời gian tồi tệ đối với chúng tôi nếu muốn có mẫu bệnh phẩm dương tính khi tình trạng lây lan bệnh suy giảm. Tôi có cảm giác một số người đang tìm cách lợi dụng tình cảnh khó khăn, bởi họ biết họ có thể làm vậy và cũng bởi nhu cầu thật kinh khủng”, bà Stefanie Lenart-Dallezotte, Giám đốc phụ trách kinh doanh tại Công ty chẩn đoán Epitope có trụ sở tại San Diego, bang California và có bán bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19 chia sẻ.

Bà cho biết từng có một môi giới hét mức giá 1.000 USD đối với 1mm mẫu huyết tương – sản phẩm được chiết tách từ máu của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Còn giới lãnh đạo điều hành ở các công ty xét nghiệm khác thì nói rằng mức giá họ từng được môi giới mời chào vào khoảng vài nghìn USD/1mm huyết tương. 

Những công ty này cần tối thiểu vài mẫu huyết tương để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong cấp phép. Một số cần đến cả trăm mẫu nếu muốn bảo đảm các xét nghiệm có kết quả cao. 

Máu “mẫu bệnh” trong đa phần các trường hợp có giá từ vài USD đến khoảng 100 USD trên mỗi mẫu huyết tương (thường được tính bằng đơn vị 1mm) tùy theo mức độ hiếm của bệnh và việc bảo quản, vận chuyển mẫu. 

Đơn cử, máu có chứa kháng thể đối với một căn bệnh nhiệt đới mà chỉ được phát hiện tại một vùng hẻo lánh trên thế giới sẽ đắt hơn máu chứa kháng thể với những căn bệnh phổ biến như viêm gan C. Theo các công ty xét nghiệm và giới môi giới, giá đối với các trường hợp bệnh hiếm có thể lên đến hàng nghìn USD/1mm mẫu. 

Máu của bệnh nhân COVID-19 rất cần thiết để phát triển và thương mại hóa xét nghiệm kháng thể. Nó đã trở thành mặt hàng đặc biệt “nóng” sau khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thẳng tay loại bỏ cả chục bộ xét nghiệm không chính xác, bán tràn ngập thị trường Mỹ sau khi virus lây lan toàn cầu. FDA sau đó ra quy định bất kỳ mẫu xét nghiệm nào cũng phải được cơ quan này giám sát, đánh giá trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. 

Cách duy nhất để biết độ chính xác của một bộ xét nghiệm là cho chạy nghịch với mẫu có chứa kháng thể với COVID-19, hoặc là mẫu không có kháng thể này. FDA đưa ra quy định, các công ty xét nghiệm phải chạy thử ít nhất với 30 mẫu dương tính và 75 mẫu âm tính mới được chấp thuận cho ra mẫu kháng thể COVID-19 dùng cho trường hợp khẩn cấp. 

Máu mà những bệnh nhân hồi phục hiến cho bệnh viện và các ngân hàng máu phi lợi nhuận như Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ (ARC) thường chỉ được dự trữ để điều trị thử nghiệm đối với các bệnh nhân COVID-19 nặng, khiến ngành xét nghiệm phải tìm kiếm từ nguồn khác. 

Đó là lúc mà những người môi giới máu nhảy vào. Một số đứng ra vận hành trung tâm hiến máu, nơi họ trả trực tiếp tiền cho bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục để có huyết tương. Số khác mua lại “máu sót”, tức máu còn thừa từ các đợt thử nghiệm máu trong phòng xét nghiệm, mà nếu không chúng sẽ phải đem bỏ đi dưới hình thức rác y tế.

Các phòng xét nghiệm thường bán “máu sót” đồng giá, không tính đến mức độ hiếm, bởi với họ cái được lớn nhất là không phải mất phí xử lý. Đội ngũ môi giới và giới lãnh đạo bệnh viện cho biết, đôi khi các phòng xét nghiệm cho không mẫu thừa này. 

Nguồn cung từ những bệnh nhân hiến máu tình nguyện giảm. Đứng trước khó khăn tiếp cận nguồn huyết tương của bệnh nhân COVID-19, một số công ty xét nghiệm đang tìm cách cắt bỏ khâu trung gian, môi giới. Công ty xét nghiệm Kephera có trụ sở tại Framingham, bang Massachusetts - đơn vị mới bắt đầu thực hiện xét nghiệm kháng thể từ tháng 3, đã trực tiếp kêu gọi bệnh nhân COVID-19 tự nguyện hiến một vài giọt máu được trích từ ngón tay. 

Ông Andrew Levin, chủ tịch kiêm giám đốc khoa học của Kephera chia sẻ: “Đã từng có cuộc săn lùng máu. Máu trở thành mặt hàng có giá trị”. Ông cho biết, từng có môi giới chào mời mức giá 1.000 USD/mẫu huyết tương tại thời điểm giai đoạn đầu của dịch, dù giá trong vài tuần gần đây xuống còn 100-300 USD/mẫu. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Nga phát triển kỹ thuật 'truy tìm' kháng thể virus SARS-CoV-2 trong huyết tương
Nga phát triển kỹ thuật 'truy tìm' kháng thể virus SARS-CoV-2 trong huyết tương

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế LB Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đang phát triển hệ thống xét nghiệm phát hiện các kháng thể trong huyết tương nhằm đưa vào chữa trị cho các  bệnh nhân mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN