Máu đổ nhấn sâu khủng hoảng Ai Cập

Tình trạng bạo loạn và đổ máu tiếp diễn càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại “đất nước của các Pharaông”, làm leo thang xung đột giữa quân đội và phong trào Anh em Hồi giáo (MB), lực lượng hậu thuẫn Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.


Ngày 8/7, những người có vũ trang ủng hộ ông Morsi đã bắt giữ hai binh lính quân đội sau các vụ đụng độ bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa ở thủ đô Cairô. Hai người lính bị tống lên xe, rồi bị ép phải hô những lời ủng hộ ông Morsi và chống chính phủ qua loa phóng thanh.


Người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi giơ những bàn tay nhuốm máu trước trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa ở Cairô. Ảnh: Internet


Cùng ngày, có ít nhất 51 người thiệt mạng và 435 người bị thương trong các vụ tấn công nhằm vào những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ. Theo cáo buộc của MB, những người này bị nã súng khi đang tập trung gần trụ sở Vệ binh Cộng hòa nơi ông Morsi bị giam giữ. Trong khi đó, phía quân đội lại đổ lỗi "một nhóm khủng bố" đã cố tìm cách xâm nhập trụ sở này khiến một sỹ quan bị sát hại, 40 người khác bị thương. Các binh lính tại đây đã phải nổ súng khi bị những kẻ lạ mặt có vũ trang tấn công.


Trước tình hình hỗn loạn chết chóc, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ra lệnh lập ủy ban điều tra về những người chịu trách nhiệm tình trạng đổ máu. Trước đó, ít nhất 35 người đã thiệt mạng vì bạo lực liên tiếp trong các ngày 5, 6 và 7/7.

 

Phân cực hóa chính trị hiện hữu


Tình hình xung đột leo thang khiến Al-Nour, đảng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, ban đầu ủng hộ quân đội can thiệp, nay lại tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ lâm thời. Trước đó, đảng này đã phản đối hai ứng cử viên thủ tướng theo xu hướng tự do, do Tổng thống lâm thời Adly Mansour đề xuất. Al-Nour cho biết họ rút khỏi các cuộc đàm phán để phản đối cái mà họ gọi là "cuộc thảm sát tại trụ sở Vệ binh Cộng hòa".


Trong một tuyên bố mới nhất, "Liên minh dân tộc ủng hộ tính hợp pháp" bao gồm một số chính đảng và phong trào Hồi giáo, trong đó có MB và các nhóm Hồi giáo có quan điểm cứng rắn, khẳng định ông Morsi vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ai Cập, đồng thời lên án việc lực lượng an ninh truy nã và bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của MB. Một số nhóm thậm chí còn kêu gọi Tổng thống lâm thời Adly Mansour từ chức nhằm tránh đẩy Ai Cập vào một cuộc "xung đột gay gắt" và “ngăn chặn tình trạng hỗn loạn" hiện nay.


Còn Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của MB, cho biết sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố cho tới khi ông Morsi được phục chức, đồng thời yêu cầu quân đội bảo vệ các cuộc biểu tình hòa bình của phe Hồi giáo.


Trong một diễn biến khác, ngay sau khi ông Ahmed al-Muslimani, cố vấn truyền thông của Tổng thống lâm thời Adly Mansour, cho biết có thể Tổng thống sẽ chỉ định luật sư trung tả Ziad Bahaa el-Din, 48 tuổi, vào cương vị thủ tướng, đảng Hồi giáo Salafist Nour, lực lượng đứng thứ hai trong Hạ viện và Thượng viện (đã bị giải tán), đã phản đối đề xuất này, do ông El-Din từng là thành viên của liên minh Mặt trận Cứu quốc (NSF). Người đứng đầu đảng này Salafist Nour, ông Younes Makhyoun nói: "Quan điểm của chúng tôi là Thủ tướng lâm thời không nên thuộc một phe nhóm cụ thể nào... Chúng tôi muốn một nhà kỹ trị". Trước đó, đảng này cũng tuyên bố sẽ rút khỏi tiến trình chuyển tiếp chính trị nếu ông ElBaradei được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng.


Lê Hoàng (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN