Có nhiều lý do để hoài nghi về hiệu quả sử dụng những chiếc máy bay chiến đấu mà Iraq mua của Nga và Belarus. Lỗi thời và có thể hỏng hóc, những chiếc máy bay chiến đấu này còn không tương thích với hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Iraq.Loại máy bay SU-25 Frogfoot mà Iraq mua của Nga.
|
Do thiếu sự hỗ trợ về không quân từ phía Mỹ, Chính phủ Iraq phải quyết định mua máy bay chiến đấu Sukhoi đã qua sử dụng của Nga và Belarus để tăng cường sức mạnh trấn áp lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria (ISIL). Tuy nhiên, theo nhận định hôm 1/7 của Viện Nghiên cứu An ninh-Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), máy bay chiến đấu của Nga khó có thể phát huy hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan ở ngay cửa ngõ Baghdad.
Quân đội Iraq và dân quân Hồi giáo dòng Shi'ite đang vất vả chống đỡ lực lượng ISIL để bảo vệ thủ đô Baghdad. Trong bối cảnh đó, Mỹ và phương Tây vẫn từ chối hỗ trợ các cuộc không kích nếu Chính phủ Iraq không chấp nhận những điều kiện tiên quyết về chính trị. Ráo riết tìm lối thoát cho tình thế bế tắc hiện nay, Thủ tướng Nouri Maliki tuyên bố sẽ mua máy bay chiến đấu Sukhoi từ Nga và Belarus. Ông hy vọng những "quả đấm thép" này sẽ giúp tiêu diệt lực lượng cực đoan trong vòng "một tuần". Quyết định của Chính phủ Iraq là một động thái khá bất ngờ và có phần mạo hiểm. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng cường sức mạnh cho không quân, Iraq dường như muốn nhân cơ hội này mở rộng mối quan hệ với Nga nhằm tái cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn.
Theo giải thích của ông Maliki, hợp đồng mua máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ mất quá nhiều thời gian và đến nay, vẫn chưa thể hoàn thành. Vì vậy, quân đội Iraq đã bị đẩy vào tình thế rất khó khăn khi phải chống đỡ những cuộc tấn công của ISIL. Năm 2011, Iraq ký hợp đồng mua máy bay tiêm kích F-16 với Mỹ. Ba năm sau, chiếc F-16IQ đầu tiên đã được hoàn thiện, nhưng vẫn còn ở Mỹ và chưa bàn giao cho phía Iraq. Hiện chiếc F-16 này đang được sử dụng để huấn luyện 6 phi công - những người sẽ trực tiếp đưa máy bay về Iraq. Đi tìm nguồn lực thay thế, ông Maliki cho rằng việc chuyển hướng sang Nga sẽ giúp Iraq có ngay sức mạnh trên không để nhanh chóng dập tắt phong trào Hồi giáo cực đoan. Lô hàng mà Iraq ký kết với phía Nga và Belarus có thể gồm máy bay cường kích Su-25 Frogfoot và tiêm kích phản lực Su-27 Flanker.
Giá thành của cả hai loại này tương đối rẻ và chúng dễ dàng bảo trì, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đây lại là những máy bay đã qua sử dụng và quá trình triển khai hợp đồng quá chóng vánh. Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa về tính hiệu quả khi chúng được triển khai ở Iraq nhằm trấn áp lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trên thị trường thế giới, trong những năm gần đây, một số loại máy bay chiến đấu thế hệ mới và hiện đại của Nga có thành tích rất nghèo nàn. Năm 2007, Algeria đã từ chối lô hàng 28 chiếc Mig-29 của Nga với giá 1,3 tỷ USD sau khi phát hiện thấy những chiếc máy bay "mới" này trên thực tế được lắp ráp từ nhiều bộ phận đã qua sử dụng. Thậm chí, ở phần đuôi máy bay còn xuất hiện những vết nứt. Tháng 3/2014, giới truyền thông đưa tin hơn 50% trong tổng số 200 chiếc Su-30MKI mới mà Không quân Ấn Độ nhận về phải "đắp chiếu" do không thể giải quyết được vấn đề dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng với nhà sản xuất Nga.
Có nhiều lý do để hoài nghi về hiệu quả sử dụng những chiếc máy bay chiến đấu mà Iraq mua của Nga và Belarus. Lỗi thời và có thể hỏng hóc, những chiếc máy bay chiến đấu này còn không tương thích với hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Iraq, từ khâu thông tin liên lạc, hậu cần cho đến hệ thống tên lửa Hellfire. Bên cạnh đó, vấn đề phi công cũng rất nan giải. Do không có thời gian để huấn luyện, nên Không quân Iraq sẽ phải dựa vào phi công nước ngoài, có thể là Belarus. Vậy làm thế nào để những phi công này có thể giao tiếp dễ dàng với phía Iraq? Khi lô máy bay được đưa sang Iraq để triển khai chiến dịch trấn áp ISIL, có lẽ các phi công cũng phải mang theo cả một "gói" hậu cần-kỹ thuật tổng hợp.
Tuy nhiên, đó chưa phải là thách thức lớn nhất. Để có thể tác chiến trên bầu trời Iraq, các phi công và đội bay Sukhoi cần phải được hỗ trợ về thông tin tình báo, do thám và trinh sát mục tiêu, đồng thời phải được kết nối với hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2). Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc chắn các máy bay chiến đấu Sukhoi sẽ không thể tác chiến hiệu quả và tiêu diệt mục tiêu dưới mặt đất trong một môi trường rất phức tạp. Thực tế cho thấy ngay cả Không quân Syria với đầy đủ sự hỗ trợ từ mặt đất cũng đã vấp phải thất bại khi đối đầu với ISIL. Vì vậy, thật khó có thể tin được rằng với những chiếc Sukhoi đã qua sử dụng mua lại từ Nga và Belarus, Chính phủ Iraq lại dễ dàng thành công trong nỗ lực tiêu diệt phiến quân Hồi giáo cực đoan ISIL.
TTK