Hai máy bay ném bom Tu-22M được hộ tống bởi 4 tiêm kích hạng nặng Su-27 đã diễn tập một cuộc 'tấn công' quy mô lớn vào Thụy Điển. Sự việc “động trời” này đang gây xôn xao giới truyền thông Thụy Điển sau khi nhiều chi tiết xung quanh vụ “tấn công” vừa được tiết lộ.
Theo tờ Svenska Dagbladet, sau nửa đêm ngày 29/3 (tức ngày Thứ Sáu tốt lành trước Lễ Phục sinh), radar của Thụy Điển phát hiện sáu chiếc máy bay bay với tốc độ cao, đến từ hướng Đông, xuất phát từ khu vực St Petersburg và Vịnh Phần Lan.
Máy bay ném bom Tu-22M của Nga. |
Trên thực tế, đường bay của các máy bay này cũng không đáng ngờ, bởi máy bay ném bom Nga vẫn thường thực hiện các chuyến bay định kỳ qua biển Baltic để tới Kaliningrad - vùng lãnh thổ Nga nằm giữa Lítva và Ba Lan.
Tuy nhiên, vào đêm 29/3, hai chiếc máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M Backfire, có khả năng mang tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân, cùng với bốn chiếc hộ tống cơ Su-27 Flanker, đã bay gần ở khoảng cách nguy hiểm với không phận Thụy Điển vào lúc 2 giờ sáng, theo giờ địa phương. Chúng bay vòng quanh hòn đảo Gotland cách lãnh hải Thụy Điển chỉ 30 - 40 km.
Sau khi tiến hành các vụ tấn công giả (mà theo các nguồn tin quân sự Thụy Điển cho tờ Svenska Dagbladet biết là nhằm vào những mục tiêu ở khu vực thủ đô Stockholm và miền nam Thụy Điển), 6 chiếc máy bay quay đầu trở về Nga.
Vụ việc này rất giống với một cuộc diễn tập của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, khi các máy bay ném bom Sao Đỏ bay rất gần với không phận Thụy Điển và bị máy bay đánh chặn của Thụy Điển “tóm được”. Những "chuyến viếng thăm" như thế đã chấm dứt vào năm 1992, nhưng tiếp tục trở lại vào năm 2011 khi Nga nối lại các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược.
Mặc dù hồi năm ngoái, một số máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire từng bay qua biển Baltic, nhưng sự việc bất thường vào ngày 29/3 nằm ở chỗ, hoạt động này diễn ra buổi đêm, và không quân Thụy Điển hoàn toàn không kịp trở tay.
Có ít nhất 2 chiếc JAS-39 Gripen thuộc phi đội báo động phản ứng nhanh luôn sẵn sàng cất cánh, nhưng thật ngạc nhiên là không có hoạt động đánh chặn nào xảy ra trong đêm “Thứ Sáu tốt lành” đó.
Kể từ năm 2004, NATO đã đặt một đội máy bay báo động phản ứng nhanh (QRA) tại căn cứ không quân ở phi trường Zokniai, Lítva, với mục đích canh gác vùng trời 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lítva. Nhiệm vụ này được một số thành viên của NATO chia sẻ, và theo phân công thì từ tháng 1/2013, không quân hoàng gia Đan Mạch (RDAF) chịu trách nhiệm.
Vào ngày 29/3, hai chiếc F-16 của RDAF của đã cất cánh khỏi căn cứ Siuliai nhưng chỉ theo dõi máy bay ném bom Nga từ xa khi phi đội này quay về phía đông, trở lại Nga.
Chiến đấu cơ Su-27 Flanker, cùng loại đã hộ tống chiếc Tu-22M trong vụ tấn công giả vào Thụy Điển. |
Các nhà phân tích cho rằng, chương trình tái cấu trúc lớn, theo đó giảm quy mô của không quân Thụy Điển từ 20 phi đội và trên 400 máy bay xuống còn không đầy 150 máy bay, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sẵn sàng của lực lượng phòng không nước này.
Cũng cần phải nói, thực ra, hoạt động quân sự trên của Nga không phải diễn ra mà không báo trước. Đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải lần cuối cùng máy bay ném bom và chiến đấu cơ Nga có những cuộc tấn công giả như vậy nhằm vào các mục tiêu chiến lược trên khắp thế giới.
Hôm 26 và 28/2 vừa qua, sau khi một chiếc Tu-95 của Nga bay quanh căn cứ Guam, những chiếc Tu-22M Backfire cũng đã tấn công giả nhằm vào tàu tuần dương Aegis của Mỹ trên Thái Bình Dương và một trạm radar mặt đất tại Nhật Bản.
Trong tương lai, hoat động này sẽ còn được hiện đại hóa hơn, khi máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới PAK-DA thay thế phi đội máy bay ném bom chiến lược gồm 63 chiếc Tu-95 Bear và 13 chiếc Tu-160 Blackjack đã cũ kỹ của Nga.
Thu Hằng