Tác động từ bên ngoài?Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/11 tại Moskva, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Kogalymavia Alexander Sminov đã loại trừ khả năng thảm kịch xảy ra là do lỗi phi công hoặc kĩ thuật. Máy bay bị vỡ trên không chỉ có thể giải thích là do "tác động cơ học hoặc vật lý" từ “các yếu tố bên ngoài” – ông này nói. Khi được hỏi “yếu tố bên ngoài” gồm những gì, vị lãnh đạo của Kogalymavia từ chối trả lời, với lý do chưa thể công bố chi tiết khi việc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Liền sau đó, tối ngày 2/11, kênh NBC News (Mỹ) dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Lầu Năm góc đưa tin, một vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện ra một quầng sáng nhiệt trên bầu trời bán đảo Sinai tại thời điểm chiếc máy bay A321 gặp nạn, khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Quân đội Mỹ từ lâu đã được cho là luôn vận hành một mạng lưới vệ tinh rộng khắp, có khả năng phát hiện gần như mọi vụ nổ nhiệt trong không gian. Giới phân tích nhận định, do bán đảo Sinai luôn là điểm nóng xung đột, giao tranh, nên vệ tinh Mỹ không thể bỏ sót mọi diễn biến trên vùng trời này.
Hiện trường mảnh vỡ còn sót lại sau thảm kịch. Ảnh: REM |
Những thông tin này khiến dư luận và giới chuyên gia hàng không nghiêng về giả thiết, chiếc Airbus A321 xấu số kia đã bị “tấn công” từ bên ngoài, cụ thể là khả năng bị trúng tên lửa hoặc bị cài bom hay âm mưu phá hoại từ bên trong, thông qua việc can thiệp vào hệ thống điện, nhiên liệu. Âm mưu phá hoại có chủ ý sẽ cần tới kẻ có trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu về cấu tạo, vận hành hệ thống máy bay; trong khi ý đồ cài bom thì được cho là ít phức tạp hơn, với việc có cả chục nhân viên kĩ thuật, thợ cơ khí được quyền lên xuống kiểm tra máy bay – Robert Galan, chuyên gia hàng không người Pháp bày tỏ.
Có thể loại trừ kịch bản quân khủng bố bắn hạ máy bay, dù một nhóm có liên hệ với quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này. Quân khủng bố hiện mới chỉ có trong tay hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPAD), không có khả năng vươn tới 9.450m - độ cao tại thời điểm chiếc A321 mất liên lạc với kiểm soát không lưu, biến khỏi màn hình radar.
“Đồn đoán về việc máy bay dính tên lửa bị loại trừ”, quan chức quân sự Mỹ chia sẻ trên kênh NBC News. Ông này tiết lộ, giới phân tích tình báo Mỹ cho rằng quầng sáng nhiệt kia có thể là một vụ nổ bom, hoặc nổ ở khoang nhiên liệu. Kèm theo đó là lời giải thích vệ tinh Mỹ có khả năng lần ra đường đi của bất kì tên lửa nào phóng đi từ mặt đất nhờ các thiệt bị định vị đa tần, dò tìm nguồn nhiệt, thế nhưng các vệ tinh đã không ghi nhận được bất kì dấu hiệu nào như vậy.
Nếu thông tin phía Mỹ công bố là xác thực, các nhà điều tra sẽ phải chú trọng hơn vào khả năng máy bay đã bị cài bom khi đón khách, nhận đồ tại sân bay Sharm el-Sheik. Và khi đó vụ nổ trên không này mang dáng dấp của “thảm kịch Lockerbie” ngày 21/12/1988: các phần tử cực đoan đã “cài bom” hẹn giờ trên chiếc Boeing 747-121 mang số hiệu N739PA của hãng hàng không Pam Air (Mỹ), khiến 270 người thiệt mạng.
Cái khó của cả Nga và Ai CậpGiới chức Nga và Ai Cập ngay lập tức phản bác nhận định “máy bay bị tác động bởi yếu tố bên ngoài” mà đại diện Kogalymavia nêu ra. Người đứng đầu Cơ quan hàng không Liên bang Nga Alexander Neradko nói rằng, phát biểu của ông Sminov là “không cần thiết và không dựa trên căn cứ thực tế… Hiện còn quá sớm để đưa ra bất kì kết luận nào về nguyên nhân phát nổ của máy bay”. Abdel Hamid, phát ngôn viên Bộ hàng không dân dụng Ai Cập, bình luận: “Họ có thể đưa ra tuyên bố nào đó tùy thích, nhưng tất cả cũng chỉ là đồn đoán mà thôi. Chúng tôi sẽ không đưa ra nhận định nào trước mỗi thông tin kiểu như vậy cho đến khi kết thúc việc điều tra”. Hãng tin Reuters ngày 2/11 dẫn nguồn tin từ Ủy ban Điều tra của Ai Cập cho biết kết quả sơ bộ phân tích hộp đen khẳng định máy bay này không bị tấn công từ bên ngoài và phi công không phát tín hiệu nguy hiểm trước khi mất liên lạc.
Giới chuyên gia nhận định, dữ liệu hộp đen có thể không giúp ích nhiều cho việc kết luận máy bay có bị cài bom, trúng tên lửa, hỏng hóc về cấu trúc hay không, nhưng kết quả phân tích các mảnh vỡ ở hiện trường có thể giúp làm sáng tỏ điều này. Cả Nga và Ai Cập đều có những cái khó riêng trong tiến trình điều tra. Nếu có đủ bằng chứng kết luận đây là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào du khách nước ngoài thì đó sẽ là một cú đánh mạnh với ngành du lịch Ai Cập. Kịch bản dính líu đến khủng bố này cũng sẽ gây ra những phản ứng trong dư luận Nga, nhất là khi Moskva đang triển khai chiến dịch diệt trừ khủng bố ở Syria. Nếu là lỗi kĩ thuật thì uy tín của ngành hàng không Nga sẽ bị ảnh hưởng lớn.