'Mây đen' COVID-19 ảnh hưởng kế hoạch đi lại của người dân trên khắp thế giới

Mỗi dịp cuối Đông hay đầu Xuân, người dân trên khắp thế giới lên kế hoạch cho những chuyến đi đã trở thành thông lệ hằng năm.

Người lao động Trung Quốc về quê đón Tết Nguyên đán, sinh viên Mỹ tổ chức các chuyến dã ngoại tới các bãi biển trong kỳ nghỉ Xuân, người Đức và người Anh tìm đến ánh nắng Mặt Trời ở Địa Trung Hải trong dịp lễ Phục sinh. Tuy nhiên, tất cả những chuyến đi đáng mong chờ này đều đã bị hủy bỏ bởi "đám mây đen" mang tên dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh nỗi lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngày một gia tăng, nhiều quốc gia đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại ngay thời điểm người dân khắp nơi trên thế giới đang hướng tới khoảng thời gian đi lại nhộn nhịp nhất trong năm. Điều này đồng nghĩa "nỗi đau" lại kéo dài đối với các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và địa điểm du lịch, vốn đã phải chật vật trong hơn 1 năm qua do đại dịch.

Các trường đại học ở Mỹ đã phải hủy bỏ kỳ nghỉ Xuân nhằm hạn chế sinh viên đi lại. Cứ mỗi tin tức mới về dịch bệnh dường như lại kéo theo việc áp đặt các biện pháp hạn chế mới để chống dịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ hơn 20 nước châu Âu, Nam Phi và Brazil, trong khi những người rời khỏi Mỹ cũng được yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi quay trở lại nước này.

Canada đã cấm các chuyến bay đến vùng biển Caribe. Israel đóng cửa sân bay quốc tế chính của nước này. Việc di chuyển đến các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng bị hạn chế khi khối này siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối. Tình hình đang trở nên khó khăn hơn ở châu Âu do các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai có phần chậm trễ, cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Công ty lữ hành TUI đang chào mời các gói tour du lịch đến Hy Lạp và Tây Ban Nha, song kèm theo các điều khoản hủy chuyến. 

Tại các bến xe buýt và ga tàu ở Trung Quốc, bầu không khí nhộn nhịp dịp Tết Nguyên đán đã bị dịch COVID-19 kéo chùng xuống, thay vào đó tinh thần chống dịch được nâng lên. "Xuân vận" - hoạt động "di cư" thường niên lớn nhất thế giới ở Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán - đã bắt đầu từ ngày 28/1 song lượng hành khách di chuyển đã giảm đáng kể. Đối với hàng triệu lao động di cư Trung Quốc, đây thường là khoảng thời gian duy nhất trong năm để họ về quê. Nhưng năm nay, nhà chức trách cam kết sẽ thưởng tiền nếu họ quyết định ở lại. Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi người dân tránh đi lại sau khi nước này phát hiện các ổ dịch COVID-19 mới. Tại thủ đô Bắc Kinh, chỉ có 5 trong số 15 cổng an ninh tại nhà ga trung tâm thành phố còn hoạt động. Không còn hình ảnh những đám đông du khách tụ tập ở trung tâm mua sắm bên ngoài nhà ga. Chính phủ Trung Quốc ước tính có 1,7 tỷ lượt khách di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán này, giảm 40% so với năm ngoái.

Trong khi đó, Thái Lan, quốc gia với khoảng 10% dân số sống dựa vào ngành du lịch, yêu cầu cách ly 2 tuần đối với người nước ngoài tại các khách sạn được chỉ định, với mức giá 1.000 USD trở lên. Đến nay, chỉ có khoảng vài chục người mỗi ngày lựa chọn đi du lịch Thái Lan. Số lượt khách đến Thái Lan năm 2020 đã giảm xuống dưới 7 triệu lượt, dự báo sẽ chỉ đạt 10 triệu lượt trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với con số 40 triệu lượt của năm 2019.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) hồi tháng 1 công bố báo cáo cho thấy đại dịch COVID-19 năm 2020 đã "thổi bay" 1.300 tỷ USD doanh thu, cao hơn 11 lần so với thiệt hại mà ngành du lịch từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Tổ chức có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) này cho biết số lượt khách du lịch quốc tế năm ngoái giảm 1 tỷ, tức 74%, đồng thời cảnh báo đại dịch đe dọa khoảng 100 – 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch. Theo UNWTO, việc triển khai vaccine phòng COVID-19 hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch dần phục hồi trong năm 2021, tuy nhiên nhiều nước đang tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn như cách ly, xét nghiệm bắt buộc và đóng cửa biên giới do “diễn biến tự nhiên của đại dịch”.

Minh Tuấn (TTXVN)
Hàn Quốc áp dụng biện pháp giảm tiếp xúc trong đi lại dịp Tết Nguyên đán 
Hàn Quốc áp dụng biện pháp giảm tiếp xúc trong đi lại dịp Tết Nguyên đán 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 3/2, Bộ Địa chính và Giao thông Hàn Quốc cho biết nước này đã có đối sách đặc biệt nhằm giảm lưu lượng di chuyển và sự tiếp xúc của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN