Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, với tư cách là một cơ quan được Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) công nhận, quyết định của Cofepris có hiệu lực ở các quốc gia khác, chứ không chỉ riêng Mexico.
Cho đến nay Mexico đã hoàn thành tiêm chủng cho 89% dân số trưởng thành và bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và giáo viên trong bối cảnh biến thể Omicron đang nhanh chóng lan rộng trên khắp thế giới.
Về phần mình, tập đoàn sinh dược BioCubaFarma cũng cho biết Mexico đã có thể nhập khẩu vaccine Abdala phục vụ chiến dịch chủng ngừa cho người trên 19 tuổi. Ngoài Abdala, Cuba đã nghiên cứu thành công hai loại vaccine ngừa COVID-19 khác là Soberana 02 và Soberana Plus. Tuy nhiên, cả 3 vaccine này của Cuba đều chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.
BioCubaFarma khẳng định quyết định của Chính phủ Mexico sẽ góp phần giúp các vaccine ngừa COVID-19 của Cuba được phổ biến trên thế giới. Hiện các loại vaccine này mới chỉ được sử dụng tại một số nước, trong đó có Việt Nam, Iran, Venezuela và Nicaragua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo từ ngày 30/12, người dân nước đã có thể đặt lịch tiêm loại vaccine phòng COVID-19 do trong nước sản xuất.
Vaccine phòng COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ có tên Turkovac và Bộ trưởng Koca đã tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà từ đầu năm sau khi nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Tới nay, hơn 58,86 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm mũi đầu tiên, trong khi hơn 51,52 triệu người đã tiêm đủ liều cơ bản. Tổng số liều vaccine được tiêm tại Thổ Nhĩ Kỳ là 130,57 triệu liều, trong đó có cả mũi tăng cường.