Tháng 9/2022, thẩm phán F. Dennis Saylor thuộc tòa án liên bang Mỹ ở Boston đã bác đơn kiện của Chính phủ Mexico cáo buộc 11 nhà sản xuất vũ khí của Mỹ kinh doanh vô trách nhiệm, dẫn đến tình trạng buôn lậu vũ khí qua biên giới làm gia tăng bạo lực súng đạn ở Mexico.
Thông báo của Chính phủ Mexico ngày 15/3 nêu rõ, một phán quyết có lợi tại tòa phúc thẩm sẽ tạo điều kiện cho Mexico chứng minh được cáo buộc của ban đầu là có căn cứ, rằng hoạt động tiếp thị và phân phối súng của Mỹ tại Mexico đã thúc đẩy nạn buôn lậu vũ khí. Chính phủ Mexico cho rằng có sự liên quan giữa hoạt động kinh doanh của các nhà phân phối súng Mỹ và nạn buôn vũ khí làm gia tăng bạo lực tại Mexico, cũng như các vấn nạn khác như buôn người và ma túy.
Nhà chức trách cả hai nước Mexico và Mỹ đã gia tăng giám sát tình trạng bạo lực súng đạn ở biên giới hai nước trong thời gian gần đây, đặc biệt sau vụ 4 công dân Mỹ bị bắt cóc tại bang Taumulipas của Mexico, trong đó 2 nạn nhân thiệt mạng.
Tháng 8/2021, Mexico đã đệ đơn kiện các công ty sản xuất vũ khí ở Mỹ, gồm Smith & Wesson, Barrett Firearms, Beretta, Century International, Colt's Manufacturing, Glock, Sturm, Ruger & Co và Witmer, yêu cầu các công ty này phải bồi thường cho Chính phủ Mexico về những thiệt hại do hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm, với số tiền ước tính 10 tỷ USD.
Tại một hội nghị thượng đỉnh tháng trước, các nhà lãnh đạo vùng Caribe đã thảo luận các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn vũ khí Mỹ buôn lậu sang Haiti, nơi bạo lực băng nhóm tội phạm leo thang đã dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Trong một bản đánh giá công bố vào tháng 3 này, Liên hợp quốc cảnh báo hoạt động buôn lậu vũ khí đang diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, trong đó các vũ khí hạng nặng và đạn dược vận chuyển tới Haiti được giấu kín trong các thùng hàng từ bang Florida (Mỹ).