Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrand ngày 16/2 (theo giờ địa phương) cho biết, phái đoàn nước này tại Liên Hợp Quốc sẽ đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an trong ngày 17/2 đề cập tình trạng “bất công” và “bất bình đẳng” trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
“Các quốc gia sản xuất vaccine giành được tỉ lệ cao hơn, còn các nước Mỹ Latinh và Caribe được ít hơn nhiều. Chúng tôi sẽ đưa chuyện này ra Hội đồng Bảo an vì nó không công bằng”, ông Ebrand tuyên bố.
Mexico đã phải vật lộn với chiến dịch tiêm chủng COVID-19 khi đến nay mới chỉ được cung cấp 750.000 liều, dù đã ký các hợp đồng mua trước 230 triệu liều vaccine COVID đủ các loại.
Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung vaccine, lo ngại của chính phủ Mexico về việc một số quốc gia có thể tích trữ vaccine cũng được nhiều người trên khắp thế giới chia sẻ.
Những nước giàu có như Mỹ, Israel, Trung Quốc, Anh đang đứng đầu danh sách số lượng vaccine được phân phối cho đến nay, trong khi nhiều nước nghèo thậm chí còn chưa được cung cấp dù chỉ một liều.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng phát biểu hồi tháng 1: “Dù vaccine mang hy vọng đến cho mọi người, chúng cũng có thể trở thành một viên gạch khác trong bức tường bất công giữa những nước có và không có”.
“Ngay cả khi họ nói rằng việc tiếp cận là bình đẳng, một số quốc gia và công ty vẫn tiếp tục ưu tiên các thỏa thuận song phương… đẩy giá lên và tìm cách nhảy cóc xếp hàng. Điều này là sai” - ông Ghebreyesus lên án.
Các quan chức WHO lo ngại hành vi đó có thể khiến chương trình phân phối vaccine công bằng của họ - được gọi là Covax, gặp nguy hiểm. Covax đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm nay, phần nhiều trong đó được chuyển đến các nước nghèo.
Theo CNN, khiếu nại của Mexico tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tập trung vào bất công với khu vực Mỹ Latinh và Caribe, một khu vực nghèo của thế giới đã bị dịch COVID tàn phá ghê gớm.
Hoạt động phân phối vaccine của Covax vẫn chưa bắt đầu, mặc dù đầu tháng 2 này chương trình đã công bố kế hoạch phân phối trên 35 triệu liều vaccine trên toàn khu vực này vào cuối quý 2, và có thể nhiều hơn nếu có thêm nguồn cung.
Tuy vậy con số đó vẫn chỉ là “muối bỏ bể” so với dân số 500 triệu người trong khu vực mà Tổ chức Y tế Liên Mỹ cho rằng cần được chủng ngừa để kiểm soát đại dịch.