Hãng thông tấn AFP trích dẫn kết quả hai nghiên cứu vừa được công bố ngày 1/4 cho hay sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19 khiến gần 500 triệu người mắc bệnh và hàng tỷ người đã được tiêm chủng, tầm quan trọng của vaccine đối với những người có khả năng miễn dịch tự nhiên do nhiễm COVID-19 là đặc biệt rõ rệt.
Một trong hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 200.000 người vào năm 2020 và 2021 ở Brazil, quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo chỉ ra rằng đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đã có khả năng tránh được nguy cơ nhập viện và tử vong lên đến 90%. Tỷ lệ này đối với vaccine CoronaVac của Trung Quốc là 81% và Johnson & Johnson của Anh là 58%.
Tác giả nghiên cứu Julio Croda thuộc Đại học Liên bang Mato Grosso do Sul cho biết: “Tất cả bốn loại vaccine trên đã được chứng minh là cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể cho những người từng nhiễm COVID-19 trước đó”.
Trong khi đó, Giáo sư Pramod Kumar Garg tại Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe Dịch thuật của Ấn Độ cho biết: "Miễn dịch lai do nhiễm virus và tiêm chủng có thể là một tình trạng thường gặp trên toàn cầu và có thể cung cấp sự bảo vệ lâu dài, thậm chí chống lại được các biến thể mới xuất hiện”.
Trong một nghiên cứu khác sử dụng số liệu của Thụy Điển tính đến tháng 10/2021 cho thấy những người đã khỏi COVID-19 có khả năng chống tái nhiễm cao trong tối đa 20 tháng. Và những người có miễn dịch lai sau khi tiêm hai liều vaccine có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 66% so với những người chỉ có miễn dịch tự nhiên.
Tiến sĩ Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói với AFP rằng khoảng thời 20 tháng chống tái nhiễm nhờ miễn dịch tự nhiên là điều tốt hơn cả mong đợi.
Tuy vậy, ông lưu ý cả hai nghiên cứu trên đều được hoàn thành trước khi biến thể Omicron thống trị toàn thế giới và nó đã làm giảm đáng kể giá trị bảo vệ của người từng mắc COVID-19 trước đó.
Một nghiên cứu ở Qatar được công bố trên kho dữ liệu khoa học medRxiv vào tuần trước đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về khả năng bảo vệ của miễn dịch lai chống lại Omicron.
Nghiên cứu phát hiện việc tiêm ba liều vaccine có hiệu quả 52% chống lại khả năng mắc có triệu chứng đối với biến thể phụ BA.2 của Omicron, nhưng con số này đã tăng lên 77% đối với người từng mắc COVID-19 trước đó.
Nghiên cứu chưa được đánh giá ngang hàng này cho thấy khả năng miễn dịch lai nhờ mắc bệnh và tiêm liều tăng cường gần đây là mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại cả hai biến phụ BA.1 và BA.2.