Hãng tin CNN dẫn thông cáo báo chí đăng trên website chính thức của Hãng hàng không Air Koryo cho biết Macau sẽ trở thành điểm đến quốc tế thứ 4 mà Air Koryo có đường bay thẳng. Hiện hãng hàng không này chỉ có đường bay thẳng tới Bắc Kinh và Thẩm Dương (Trung Quốc), cũng như Vladivostok (Nga). Xét về khoảng cách địa lý, ba thành phố này đều gần hơn rất nhiều so với Macau.
Cơ quan quản lý hàng không dân sự Macau SAR (AACM) cho biết hãng hàng không Air Koryo sẽ triển khai 2 chuyến bay/tuần tới Macau. Trong một tuyên bố, AACM thông báo thời gian triển khai tuyến đường mới này tạm thời kéo dài từ 2/8 đến hết 26/10.
Giới chức Macau không nói rõ loại máy bay nào được sử dụng trong những chuyến bay này. Theo chuyên gia du lịch Simon Cockerell thuộc công ty lữ hành Koryo Tours, Triều Tiên được cho là sử dụng 5 loại máy bay khác nhau để đưa hành khách tới Trung Quốc.
Vào những năm 1990, Air Koryo triển khai dịch vụ hàng không tới Macau, song tuyến đường này không thực sự hoạt động suốt hơn 20 năm. Tuyến đường mới được đánh giá là sẽ kết nối giữa một trong những điểm giải trí hấp dẫn nhất thế giới với quốc gia Đông Á.
Trong nhiều năm, Chính phủ Triều Tiên luôn vận dụng Macau như một điểm đến để tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài. “Họ thường đưa những người thuộc các đơn vị, cơ quan kinh tế sang để học hỏi về Macau và quy trình vận hành của một nền kinh tế thị trường”, một giám sát viên giấu tên chia sẻ.
Từ những năm 1990 trở đi, thành phố này của Trung Quốc dường như đóng một vai trò quan trọng hơn. Triều Tiên thường xuyên tham gia các hoạt động giao dịch trao đổi – đổi hàng hóa mà không cần dùng tiền mặt.
“Những năm 1990, tôi nghĩ cộng đồng Triều Tiên tại Macau chỉ có khoảng 50 người, được cấp thị thực ngoại giao và điều hành công việc kinh doanh hợp pháp, như công ty thương mại hoặc mở nhà hàng”.
“Những người Triều Tiên ở Macau thường là những nhà đầu tư và nhập khẩu nhân sâm. Chúng tôi cũng giúp họ một số khoản đầu tư bất động sản”, Antonio Correia - một luật sư Bồ Đào Nha nghỉ hưu từng làm việc với người Triều Tiên vào cuối những năm 1980-1990. “Họ rất lịch sự, khá quy củ và là thể hiện lòng ủng hộ với 'Lãnh tụ kính yêu'. Khi đó người Triều Tiên ở Macau rất ít, nên chỉ những người làm việc tiếp xúc mới biết về họ”. Thông tin về cộng đồng người Triều Tiên tại “thiên đường sòng bạc” Macau rất hiếm hoi. Nhóm người Triều Tiên xuất hiện đầu tiên tại Macau vào những năm 1970.
Theo chuyên gia phân tích xã hội tại Macau Larry So Man-yum, "người Triều Tiên luôn là một cộng đồng khép kín. Họ muốn tách khỏi cuộc sống thường ngày. Có rào cản về ngôn ngữ, khi chỉ có ít người nói được ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, và họ rất thận trọng không tương tác với cộng đồng địa phương vì nhiều lý do.