Theo trang tin EURACTIV.de (Đức) ngày 12/7, những năm gần đây là một chặng đường gập ghềnh đối với "nhà vô địch xuất khẩu" của thế giới. Nền kinh tế Đức đã phải hứng chịu đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tất nhiên, việc nhập khẩu khí đốt của Nga cũng sụt giảm.
Trong nhiều thập kỷ, xuất khẩu đã trở thành động lực kinh tế ở Đức với khoảng 1/4 việc làm hiện đang phụ thuộc vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh đó dường như đang bị đe dọa khi thế giới đang trải qua một giai đoạn được cho là "khủng hoảng triền miên".
Tín hiệu cảnh báo đầu tiên cho sự sụt giảm này đã xuất hiện: Vào tháng 5/2022, Đức ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 14 năm vì giá năng lượng tăng mạnh. Do Nga chuyển sang hạn chế lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu, đã khiến giá các sản phẩm sản xuất tại Đức tăng cao.
Volker Treier, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, cho biết: “Xuất khẩu đã bắt đầu suy thoái”, lưu ý rằng chi phí hàng hóa của Đức được vận chuyển ra nước ngoài đang tăng lên.
Sự sụt giảm hàng hóa của Đức bán tại Nga là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm. Trong nhiều năm, Nga là một thị trường lớn đối với các nhà sản xuất Đức, nhưng kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, xu hướng này đã đi xuống do các công ty ngừng kinh doanh tại nước này. So với một năm trước, doanh số bán hàng sang Nga đã giảm hơn 50%.
Trong khi mức thâm hụt một phần là do giá năng lượng tăng và tình trạng thiếu khí đốt hiện nay, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy mô hình kinh tế của Đức đã có vấn đề một thời gian. Đức từ lâu đã tự hào về thặng dư thương mại cao, nhưng khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu đang thu hẹp. Trong 5 năm qua, thặng dư thương mại giảm dần từ năm này qua năm khác.
Tình hình địa chính trị hiện tại lại đang không tốt cho ngành công nghiệp Đức. Nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu từ lâu đã phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga và nguyên liệu thô từ Trung Quốc, nhưng việc duy trì mô hình này đang ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi Nga bị cô lập vì cuộc xung đột ở Ukraine, Đức đang ngày càng quan ngại về các mối quan hệ kinh doanh của mình với Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích và chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cảnh báo rằng thế giới có thể bị chia cắt thành hai khối địa kinh tế - khối liên kết với phương Tây và khối hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga.
“Có một sai lầm mà chúng ta không được phạm phải: Thúc đẩy sự hình thành các khối và sự tan rã của nền kinh tế toàn cầu bằng cách chia nó thành các phe nhóm ý thức hệ”, Siegfried Russwurm, Chủ tịch BDI, hiệp hội công nghiệp của Đức, cảnh báo vào tháng 6 vừa qua.
Nếu quan hệ thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng, nền kinh tế Đức sẽ bị tác động nặng nề. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và không chỉ thúc đẩy ngành xuất khẩu mạnh mẽ của nước này, mà còn là yếu tố cần thiết để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp Đức bằng cách cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng cùng các hàng hóa khác mà nước này rất cần.
Do đó, sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đang khiến Chính phủ Đức "đau đầu". “Tất cả chúng ta đều nhận thấy rõ ràng về sự song phương hóa rất mạnh mẽ mối quan hệ giữa Đức với tư cách là một quốc gia xuất khẩu và Trung Quốc - điều đó cũng không lành mạnh”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết vào giữa tháng 4.
Các công ty Đức cũng nhận thức rõ về mối đe dọa đang rình rập. Trong khi 46% tổng số doanh nghiệp Đức cho biết họ hiện đang phụ thuộc phần lớn vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, hơn 2/3 thừa nhận họ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, một nghiên cứu của viện IFO đã chỉ ra.
Mặc dù vẫn còn phải xem liệu mô hình kinh doanh định hướng xuất khẩu của Đức có tồn tại được trong hàng loạt cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt hay không, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng tình hình kinh tế nói chung có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt. Rủi ro đó đã tăng lên trong thời gian gần đây.