Tất cả cư dân từ 15 tuổi trở lên đều phải mang theo thẻ này và bất kỳ ai ở lại Hong Kong trên 180 ngày đều phải đăng ký. Ngoài việc cung cấp bằng chứng pháp lý rằng một người được cư trú hợp pháp ở thành phố, tấm thẻ nhỏ này còn có có thể sử dụng vào nhiều giao dịch từ ngân hàng đến mượn sách ở thư viện... và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của người dân Hong Kong. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, ngày 23/6/2003, Cục Nhập cư Hong Kong đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc phát hành và cấp đổi thẻ căn cước công dân thông minh cho toàn bộ người dân.
Theo Cục Bảo an Hong Kong, bộ vi mạch của thẻ căn cước thông minh lưu trữ mẫu dấu vân tay của người dân, có chức năng chống làm giả rất cao. Tuy nhiên, các vật liệu thẻ căn cước thông minh đang được sử dụng có thời hạn sử dụng chỉ 10 năm trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, lần thay thế quy mô lớn cuối cùng của thẻ căn cước công dân Hong Kong là từ năm 2003 đến năm 2007. Vì vậy, đến năm 2018, các thẻ căn cước đã vượt quá tuổi thọ sử dụng. Mặt khác, hệ thống này được phát triển và ra mắt vào đầu những năm 2000, phần mềm và phần cứng sắp lỗi thời. Với việc nguồn cung và hỗ trợ công nghệ lạc hậu liên tục giảm đi, việc bảo trì hệ thống và hỗ trợ kỹ thuật sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là công nghệ liên quan bắt đầu không theo kịp trình độ mới nhất, việc sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ đe dọa đến tính vững chắc của hệ thống. Trong năm 2012, cảnh sát Hong Kong đã thu giữ 171 thẻ căn cước thông minh giả và con số này đã tăng lên 186 thẻ vào năm 2013, mức tăng là 9%. Theo Cục Bảo an, mức độ làm giả thẻ liên tục gia tăng trong những năm gần đây ở Hong Kong, do đó, cần phải đưa ra các tính năng chống làm giả mới và công nghệ gắn chip cho thẻ căn cước thông minh mới.
Chính vì vậy, Hong Kong bắt đầu triển khai chương trình thay thế thẻ căn cước thông minh mới trên toàn lãnh thổ vào ngày 26/11/2018. Chính quyền Hong Kong đã chi 2,9 tỷ HKD (khoảng 374 triệu USD) để phát hành thẻ căn cước mới và 84,4 triệu HKD (khoảng 10,9 triệu USD) từ năm 2019 trở đi để duy trì hệ thống này. Dự kiến số lượng thẻ căn cước thông minh sẽ được thay thế cho toàn dân Hong Kong là khoảng 8,8 triệu thẻ căn cước và sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Thẻ căn cước công dân thông minh mới không chỉ bền hơn, ảnh có độ phân giải cao hơn để hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt, lưu trữ dữ liệu sinh trắc học tốt hơn và khó làm giả hơn, mà người dân còn có thể sử dụng chúng cho nhiều dịch vụ công cộng và giao dịch. Tất cả chủ sở hữu thẻ căn cước thông minh sẽ được mời theo từng giai đoạn, thông qua lịch trình của chương trình thay thế thẻ căn cước thông minh tại Trung tâm thay thế thẻ căn cước thông minh.
Các chuyên gia Cục Bảo an Hong Kong cho biết dung lượng chip của thẻ căn cước thông minh mới sẽ lớn hơn so với chip hiện tại, có thể lưu trữ hình ảnh độ phân giải cao hơn để hỗ trợ công nghệ nhận dạng khuôn mặt và cung cấp nền tảng nhận dạng sinh trắc học ngoài xác minh dấu vân tay. Đồng thời, trên thẻ cũng sẽ lưu giữ mẫu dấu vân tay mới nhất, giúp quá trình xác minh danh tính an toàn và chính xác hơn. Con chip mới cũng tăng khả năng sử dụng các dịch vụ khác của chính phủ, cho phép thẻ căn cước thông minh mới có mục đích sử dụng rộng rãi và tiện lợi hơn.
Thẻ căn cước thông minh mới sẽ được làm bằng keo polycarbonate chất lượng cao. Ngoài việc hỗ trợ giao diện tiếp xúc hiện có, chip của thẻ căn cước mới cũng sử dụng giao diện không tiếp xúc có liên quan là RFID (radio frequency identification – nhận dạng dựa vào tần số vô tuyến), có độ bền cao hơn.
Trên thực tế đã xuất hiện những khó khăn ban đầu khi chính quyền Hong Kong triển khai thực hiện chương trình thay thế thẻ căn cước thông minh thế hệ mới. Đa số người dân lo ngại thẻ căn cước thông minh thế hệ mới hỗ trợ RFID có thể khiến thông tin cá nhân của họ bị đánh cắp, đặc biệt là thông tin sinh trắc học, và được sử dụng để giám sát công dân thông qua công nghệ RFID, bởi máy quét RFID có thể đọc một số lượng lớn các thẻ RFID ở khoảng cách xa. Một số ý kiến thậm chí còn nghi ngờ rằng máy quét có thể được thiết lập ở những nơi công cộng như Autotoll (hệ thống cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ điện tử tại Hong Kong), chỉ cần người dân đi ngang qua là thông tin về họ sẽ bị lưu lại. Tâm lý lo ngại này đã phần nào cản trở việc chính quyền triển khai cấp đổi thẻ căn cước thông minh thế hệ mới trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Hong Kong đã giải thích rằng những lo ngại của người dân là không cần thiết. Có nhiều lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, chi phí bẻ khóa mã hóa rất cao. Thứ hai, các tài liệu nhận dạng khác nhau không chỉ được xác định bằng mã số, mà còn cần các công nghệ chống làm giả khác. Do đó, danh tính không thể bị đánh cắp chỉ từ các tín hiệu RFID này.
Hong Kong không phải là chính quyền đầu tiên trên thế giới đưa chip RFID vào giấy tờ tùy thân. Hiện tại hộ chiếu của nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng công nghệ tương ứng. Hộ chiếu thông thường sẽ in ảnh và thông tin cá nhân của người được cấp phép trên trang dữ liệu giấy, còn hộ chiếu có tích hợp RFID sẽ có một con chip không tiếp xúc được gắn giữa đáy bìa và trang lót bên trong để lưu trữ thông tin cơ bản và đặc điểm sinh học của người mang hộ chiếu. Nhà chức trách có thể sử dụng RFID để đọc dữ liệu được lưu trữ trong chip và xác minh tính xác thực của hộ chiếu thông qua cơ chế chứng thực điện tử. Hiện nay có 96 quốc gia trên thế giới đã áp dụng hộ chiếu tích hợp công nghệ RFID.
Đồng thời, Chính quyền Hong Kong cũng khẳng định nhiều biện pháp bảo mật đã được áp dụng cho thẻ căn cước công dân thông minh mới để đảm bảo dữ liệu cá nhân lưu trữ trong chip thẻ được bảo vệ hoàn toàn, quá trình xác minh danh tính cũng tuyệt đối an toàn và chính xác. Theo hệ thống thẻ căn cước thông minh thế hệ mới, chỉ những đầu đọc quang học đã được phê duyệt mới có thể đọc dữ liệu cá nhân của chip thẻ căn cước thông minh mới. Nếu không có chứng chỉ ủy quyền và chương trình tính toán đặc biệt thì đầu đọc với bất kỳ công nghệ tinh vi thế nào cũng không thể đọc được dữ liệu chip của thẻ căn cước thông minh mới.
Ngoài ra, Cục Nhập cư Hong Kong cũng đã mời các chuyên gia tư vấn độc lập để thực hiện những đánh giá về tác động đến quyền riêng tư và bảo mật công nghệ thông tin ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình triển khai hệ thống thẻ căn cước thông minh thế hệ mới, để đảm bảo rằng thiết kế hệ thống và quy trình làm việc phù hợp với “Điều lệ về dữ liệu cá nhân (Quyền riêng tư)”, các tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan do Văn phòng Giám sát công nghệ thông tin lập ra. Các chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng các biện pháp đảm bảo mà thẻ căn cước thông minh mới áp dụng đã ngăn chặn hiệu quả nguy cơ dữ liệu cá nhân trong chip thẻ bị đọc bất hợp pháp thông qua giao diện không tiếp xúc.