Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, người dân Tokyo sáng 9/2 bắt đầu đi bỏ phiếu lựa chọn vị tân thị trưởng thay thế người tiền nhiệm Naoki Inose đã từ chức hồi tháng 12/2013 do dính líu đến vụ bê bối gây quỹ tranh cử.Ông Yoichi Masuzoe vẫy tay với cử tri trong chiến dịch tranh cử ngày 9/2 ở Tokyo. Ảnh: Reuters |
Các ứng cử viên hàng đầu tranh chiếc ghế thị trưởng bao gồm cả cựu Thủ tướng Nhật Bản Morihiro Hosokawa, 76 tuổi; cựu Bộ trưởng Y tế Yoichi Masuzoe, 65 tuổi; cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) Toshio Tamogami, 65 tuổi và Kenji Utsunomiya, 67 tuổi, cựu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Tham gia cuộc đua này còn có ông Yoshiro Nakamatsu, nhà phát minh 85 tuổi từng chạy đua vào vị trí này đến lần thứ 7, và Kazuma Ieiri, Giám đốc điều hành 35 tuổi – người đang thu thập ý tưởng từ người dân để phát triển những sáng kiến về chính sách của ông.
Toàn bộ 16 ứng cử viên, đã đưa ra những quan điểm của họ về những vấn đề khác nhau như phúc lợi xã hội, năng lượng hạt nhân cũng như công tác chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Hè năm 2020 trong thời gian tranh cử kéo dài 17 ngày.
Ông Hosokawa đã bất ngờ tham gia cuộc đua này sau khi xây dựng một liên minh hiếm thấy của hai cựu thủ tướng với ông Junichiro Koizumi nhằm gây áp lực cho Chính phủ Nhật Bản hiện nay từ bỏ toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản trong tương lai gần.
Trong khi đó, ông Masuzoe, từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2009 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe, lại nhận được sự ủng hộ của liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) lãnh đạo.
Trong cuộc bầu cử trước đó hồi tháng 12/2012, ông Inose đã giành chiến thắng áp đảo với kỷ lục 4,33 triệu phiếu. Khi đó, ông Utsunomiya về nhì với khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, ông Inose, đã từ chức một năm sau khi đắc cử do vụ bê bối nhận 50 triệu yên từ Tập đoàn bệnh viện Tokushukai – doanh nghiệp có dính líu đến một vụ bê bối tranh cử khác.
TTXVN/Tin tức