Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm nghìn điểm xét nghiệm COVID-19, mở rộng quy mô các trung tâm trên khắp các thành phố lớn nhất nước, coi đây là một phần trong chính sách zero-Covid bất chấp những tổn thất về kinh tế mà nước này phải gánh chịu từ biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt.
Thức dậy sáng 9/6, cư dân Thượng Hải nhận được thông báo nhà chức trách sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt trong thời gian tối thiểu hai ngày tại quận Mẫn Hàng (Minhang), nơi có khoảng 2 triệu người sinh sống. Sắc lệnh được ban hành chỉ sau một tuần Bắc Kinh tuyên bố “chiến thắng” đại dịch ở Thượng Hải sau hai tháng phong tỏa, đóng cửa.
Quy định hạn chế nghiêm ngặt áp đặt tại Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn tại đại lục đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai đứng trước nguy cơ suy thoái, mà nếu biến thành thực tế thì đây mới chỉ là lần thứ hai trong ba thập kỷ qua. Các biện pháp phòng chống dịch đã được nới lỏng ở nhiều khu vực. Nhưng giới chuyên gia cho rằng chương trình nâng cấp hạ tầng chống COVID-19 mà chính phủ triển khai là nhằm duy trì các chính sách về xét nghiệm diện rộng, cách ly nghiêm ngặt vắt sang năm 2023.
Nhà chức trách đang chạy đua với thời gian để triển khai hướng dẫn về nâng năng lực xét nghiệm cho toàn bộ cư dân thành phố chỉ trong 24 giờ. Các đô thị lớn phải thiết lập đủ cơ sở xét nghiệm với khoảng cách tối đa 15 phút đi bộ từ khu dân cư. Những cơ sở dã chiến đang được thay thế bằng các bốt cố định do doanh nghiệp y tế tư nhân xây dựng.
31 tỉnh và khu vực tại Trung Quốc cũng đang rốt ráo thực hiện mệnh lệnh từ Bắc Kinh về chuẩn bị cơ sở cách ly, bệnh viện mới đề phòng trường hợp bùng phát lây nhiễm cao như ở Thượng Hải. Đây là một chỉ dấu nữa cho thấy Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách cách ly nhiều tuần với toàn bộ các ca nhiễm không triệu chứng tại các cơ sở do nhà nước vận hành.
Theo Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp của chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn độc lập tại Mỹ, những biện pháp nêu trên cho thấy Trung Quốc vẫn theo đuổi cam kết về “zero-Covid” bất chấp mức tổn thất về kinh tế, xã hội mà chiến lược này gây ra.
Theo số liệu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố, tính đến thời điểm cuối tháng 4, Trung Quốc có khoảng 400 bệnh viện dã chiến đã hoàn tất hoặc đang trong quá trình xây dựng, với công suất lên tới 560.000 giường. Chính quyền tại những thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu người nhận được chỉ thị phải bảo đảm tối thiểu 1.500 giường bệnh trống đặt tại những khu cách ly tập trung, chưa kể các trung tâm dự phòng có thể đưa vào sử dụng chỉ sau vài ngày nhận được thông báo.
“Năng lực tiếp nhận và cách ly cần phải được tăng cường hơn nữa. Cần lên kế hoạch và chuẩn bị sớm một bước mạng lưới bệnh viện, điểm cách ly tập trung”, ông Ma Xiaowei, giám đốc NHC, nêu quan điểm trong bài viết đăng trên tạp chí Qiushi – cơ quan tuyên truyền hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phần lớn các thành phố tại Trung Quốc áp dụng quy định về xét nghiệm COVID-19, bất kể có triệu chứng hay không. Bắc Kinh yêu cầu người dân thành phố phải trình xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ mới được phép di chuyển tự do, trong đó có việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thượng Hải đã thiết lập được khoảng 15.000 điểm xét nghiệm cho 26 triệu dân của thành phố. Lan Châu (Lanzhou), thành phố 4 triệu dân ở vùng tây bắc, cũng đạt năng lực xét nghiệm gần 150.000 người/ngày.
Chính sách zero-Covid đã giúp Trung Quốc kiểm soát thành công đợt dịch do biến thể Omicron gây ra, giữ tỉ lệ tử vong ở mức thấp, nhất là khi so sánh với diễn biến dịch bệnh tại Mỹ và Anh. Số ca mắc mới tại đại lục hiện giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba tháng qua, với trung bình 150 ca nhiễm/ngày so với mức đỉnh 30.000 ca/ngày hồi tháng 4.
Nhưng cũng có ý kiến lo ngại về tổn thất mà Trung Quốc phải gánh chịu khi kéo dài zero-Covid. Theo phân tích của ngân hàng Namura (Nhật Bản), nếu tất cả các thành phố tại Trung Quốc làm theo quy định của Bắc Kinh về yêu cầu giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ, sẽ có khoảng 814 triệu người phải xét nghiệm thường xuyên. Chi phí cho hoạt động này tương đương với 1,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã hủy hai sự kiện quốc tế quan trọng. Nhà chức trách đã lùi Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải sang năm 2023, thay vì tổ chức vào ngày 10/6/2022 theo kế hoạch ban đầu. Tháng trước, Trung Quốc cũng ra thông báo từ bỏ quyền đăng cai vòng chung kết giải bóng đá Asian Cup 2023 do lo ngại về dịch COVID-19. Giới phân tích nhìn nhận, những quyết định này cho thấy chính phủ theo đuổi cam kết về duy trì zero-Covid bằng mọi cách.