Nhà máy có tổng vốn đầu tư vào khoảng 500 triệu USD và chuyên cung ứng vaccine sử dụng công nghệ mRNA cho các nước có thu nhập thấp, trong đó có vaccine ngừa COVID-19. Cơ sở này sẽ chưa thể có đóng góp tức thời cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bởi thời gian hoàn thành xây dựng cần từ 2-4 năm, trong khi kế hoạch hiện mới ở giai đoạn đầu.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Moderna đối diện với phản ứng từ những người ủng hộ chia sẻ vaccine, cùng với đó là sức ép sau bức màn kín từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden buộc các công ty dược phẩm phải tăng sản lượng vaccine, cung ứng thêm vaccine ra thị trường thế giới.
Trước đó, chính phủ nhiều nước đã mở các cuộc thảo luận nảy lửa với nhiều hãng dược về yêu cầu miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 để giúp sớm chấm dứt đại dịch, tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận vaccine sau khi các nước giàu đã đạt tới ngưỡng dư thừa nguồn cung trong năm nay.
Giám đốc điều hành Moderna Stéphane Bancel cho biết trong vài tháng trở lại đây công ty đã đưa ra nhiều kịch bản và đi đến quyết định cần phải làm điều gì đó lớn lao ở châu Phi. Cách duy nhất để biến tầm nhìn 5-10 năm thành hiện thực là xây dựng một nhà máy như cách Moderna làm tại Mỹ.
Tăng tiềm lực sản xuất tại những vùng trũng vaccine trên thế giới là một mục tiêu quan trọng của những người ủng hộ y tế cộng đồng trong bối cảnh xuất hiện bất bình đẳng về tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Kaiser Family cho thấy có ít nhất 2/3 người dân tại các nước giàu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi tỉ lệ này ở những nước nghèo chỉ là 2%.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên tại Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều tháng qua đã gây sức ép để Moderna tăng sản lượng vaccine và chuyển vaccine tới các nước thu nhập thấp. Trước đó, vaccine ngừa COVID-19 của Moderna được phát triển thành công là do có sự hợp tác với Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID). Moderna cũng được Chính phủ Mỹ chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu, sản xuất vaccine, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng lớn.
Dịch chuyển sản xuất sang các nước thu nhập trung bình, thu nhập thấp là một giải pháp khả thi để xử lý vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, một số người cho rằng cách tốt nhất là chuyển giao công nghệ cho các công ty bản địa, nhằm giúp các nước có được năng lực đối phó với những mối đe dọa mới, bảo đảm nguồn cung sẽ không bị điều chuyển tới địa điểm khác trên thế giới.
Ông Bancel cho biết Moderna hiện chưa quyết định đặt nhà máy tại nước nào, nhưng khẳng định sản lượng làm ra sẽ chỉ được luân chuyển, phân phối trong phạm vi châu Phi. Moderna cũng sẽ tuyển dụng, đào tạo lực lượng lao động người bản địa để phục vụ sản xuất tại chỗ.
Ngoài vaccine COVID-19, Moderna cũng đang nghiên cứu, phát triển nhiều loại vaccine khác sử dụng công nghệ mRNA, như vaccine chống virus hợp bào hô hấp, vaccine trị các bệnh nhiệt đới và căn bệnh HIV. “Chúng tôi thực sự muốn làm chủ bí quyết và chuyển tới châu Phi, để từ đó các nước có thể sản xuất vaccine. Đơn cử, nếu dịch Ebola bùng phát, họ có thể sử dụng nhà máy đó để chế vaccine trị bệnh”.
Một số chuyên gia cho rằng xây dựng các nhà máy sản xuất vaccine ở những nước thu nhập thấp là một bước tiến. Nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm rõ và xử lý dứt điểm liên quan đến quyền kiểm soát bản địa, quyền sở hữu và vấn đề nhân công. Lawrence O. Gostin, chuyên gia luật về y tế toàn cầu tại hãng luật Georgetown Law so sánh kế hoạch của Moderna với sáng kiến “Vành đai và Con đường”mà Trung Quốc đang triển khai trên thế giới.
“Việc có được một bệnh viện hoành tráng, một nhà máy hào nhoáng hay một cơ sở điều trị bóng bẩy cũng tốt thôi. Nhưng điều mà chúng ta thực sự mong muốn là có được một hạ tầng thuộc về chính nước bản địa, với một đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, đủ sức vận hành hạ tầng đó”, ông Gostin nói.