Đó là nhận định của ông Frederick Kempe, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Atlantic Council. Và theo ông, đó là nỗi lo sợ chung của nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn.
Ông Kempe cho biết tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến CNBC Global Evolve ngày 2/11: “Mọi CEO và các ngân hàng mà tôi trao đổi cùng đều đang tính toán đến yếu tố địa chính trị theo cách khác biệt so với 5 năm trước đây”.
“Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Jamie Dimon cảnh báo trước đó.
CEO của Atlantic Council chỉ ra rằng sự thay đổi này không xảy ra đột ngột khi chiến tranh giữa Israel và phong trào Hamas bùng nổ ở Trung Đông. Nó đã được hun đúc suốt 5 năm qua, khi một loạt cú sốc làm đảo lộn hiện trạng thị trường.
“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một lời cảnh tỉnh. Không ai dám chắc nó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Địa chính trị đang xâm nhập vào phòng họp theo cách mà nó chưa từng xảy ra trong đời tôi”, ông Kempe nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng việc các CEO kết luận tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn là điều hợp lý. Bốn năm đầu của thập kỷ gần đây nhất đã xảy ra bốn cú sốc: COVID-19; Mỹ rút quân vội vàng ở Afghanistan làm suy yếu vị thế trên trường quốc tế; Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến các doanh nghiệp rút khỏi Nga và bây giờ là sự bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas.
Ba cú ngoặt lớn gần đây nhất trong lịch sử là Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, tình trạng căng thẳng và rủi ro đang cao hơn bao giờ hết. Một thế giới kết nối nhiều hơn cùng với khả năng công nghệ lớn hơn trước đây có thể gây tác hại nhanh hơn.
Ông Kempe tin rằng việc đảm bảo trật tự toàn cầu được nguyên vẹn là tùy thuộc vào Mỹ. Ông nhắc lại những lựa chọn của Mỹ sau Thế chiến thứ nhất đã dẫn đến chủ nghĩa biệt lập, nạn diệt chủng Holocaust và hàng triệu người chết. Trong khi các “lựa chọn đúng” của Washington sau Thế chiến thứ hai đã dẫn đến các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).