Trong tuyên bố, WFP - có trụ sở tại Rome (Italy) - cho biết cơ quan này quan ngại sâu sắc “trước tình hình đang xấu đi một cách nhanh chóng” ở Israel và Palestine, cũng như “tác động của cuộc xung đột này đến những người dân bị ảnh hưởng”.
Tuyên bố có đoạn: “Khi xung đột gia tăng, dân thường - trong đó có trẻ em và các gia đình dễ bị tổn thương - phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong quá trình tiếp cận các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu, với những mạng lưới phân phối thực phẩm bị gián đoạn và hoạt động sản xuất lương thực bị cản trở nghiêm trọng do chiến sự”.
WFP cũng lo ngại về chất lượng của các mặt hàng tại hệ thống cửa hàng thực phẩm và tác động tiêu cực từ tình trạng mất điện ở Dải Gaza, nơi phải vẫn phải đối mặt với vấn đề thiếu điện kinh niên. Theo cơ quan của LHQ, “việc mất điện thường xuyên dẫn đến nguy cơ hư hỏng thực phẩm”.
Đề cập tới Gaza, tuyên bố đánh giá mặc dù hầu hết các cửa hàng ở những khu vực chịu ảnh hưởng tại Palestine hiện duy trì lượng thực phẩm dự trữ trong 1 tháng, song có nguy cơ sẽ “cạn kiệt nhanh chóng khi mọi người mua hết thực phẩm vì lo ngại xung đột kéo dài”.
WFP khẳng định cơ quan này đang chuẩn bị sẵn số lượng thực phẩm để phân phối cho những người phải di dời và đang sinh sống tại những nơi tạm trú, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nguyên tắc của luật nhân đạo”.
Trong một diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng ngày tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Israel và Gaza, đồng thời cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá liên quan những hậu quả về mặt kinh tế.