“Tôi không thở được. Đây không phải lần đầu tiên tôi cảm thấy khó thở khi đi làm bằng tàu điện ngầm vào buổi sáng, nhưng chuyến đi sáng nay kinh khủng đến mức giống như một cơn hoảng loạn”, cô Lee nói khi rời tàu sáng ngày 31/10.
Theo người dân Seoul, tuyến tàu cao tốc số 9 thường xuyên trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Khi mọi người tiếp tục chen lấn vào toa tàu đã chật cứng, cô Lee không thể ngừng tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra giống thảm họa tại Itaewon 2 ngày trước đó. Cô chia sẻ” “Mặc dù tôi không có mặt ở Itaewon vào đêm hôm đó, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự khủng khiếp tương tự có thể xảy ra trên tàu điện ngầm”.
Vào đêm ngày 29/10, thảm họa đã xảy ra khi hàng nghìn người tham sự lễ hội Halloween chen chúc trong một con hẻm hẹp và dốc ở trung tâm Itaewon của Seoul, khiến ít nhất 156 người chết và 151 người bị thương, tính đến ngày 1/11.
Vụ tai nạn đám đông chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc đang ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của hầu hết người dân. Và người Hàn Quốc lâu nay đã quen với mật độ đô thị và tình trạng đông đúc trên đường phố đã bất ngờ chú ý tới sự nguy hiểm của những yếu tố này.
Theo dữ liệu năm 2021 của Seoul Metro, mật độ trung bình trong giờ cao điểm buổi sáng trên tuyến tàu điện ngầm số 9 giữa ga Noryangjin và Dongjak – một trong những ga đông đúc nhất – là 185%. Trong khi đó, nếu mật độ vượt quá 150%, hành khách không thể di chuyển tự do trong tàu.
Hành khách đi làm bằng tàu điện ngầm đã so sánh cảnh tượng chen chúc này giống như địa ngục, khi họ thường xuyên bị dồn ép sát nhau và không thể di chuyển tự do. Thậm chí, nhiều vụ xô xát hoặc tranh cãi thường xảy ra khi mọi người cố chen lấn để vào trong hoặc ra khỏi đoàn tàu, một số người bị nhỡ điểm xuống tàu vì quá đông.
“Tàu điện ngầm ở Seoul chật cứng đến mức có thể dẫn đến khó thở hoặc hoảng loạn cho một số hành khách. Nhưng chúng ta đã quen với cảnh tượng đông đúc này trong cuộc sống hàng ngày”, ông Park Cheong-woong, Giáo sư quản lý an toàn tại Đại học Sejong Cyber cho biết.
Ông Lee Song-kyu, người đứng đầu Hiệp hội Chuyên gia An toàn Hàn Quốc, cảnh báo rằng thảm họa đám đông bất ngờ có thể xảy ra tại bất kỳ sự kiện hoặc buổi tụ tập lớn nào.
“Tôi không nói tàu điện ngầm chật cứng có nhiều khả năng dẫn tới hiện tượng đám đông chèn ép, nhưng tôi cho rằng thảm kịch Itaewon cho thấy thảm họa có thể xảy ra vào lúc chúng ta không ngờ tới, ở những nơi công cộng. Do đó, chính quyền địa phương và người dân nên thường xuyên cảnh giác”, ông nói.
Ông John Drury, chuyên gia tâm lý xã hội và quản lý đám đông tại Đại học Sussex (Anh), cho biết các thảm họa xảy ra với đám đông thường đến từ ba nguyên nhân có liên quan đến nhau - bao gồm mật độ người cao, các làn sóng dịch chuyển và việc nhiều người cùng ngã xuống. Nếu có một vật cản, tác hại sẽ càng thêm nghiêm trọng.
“Ấn tượng của tôi là mọi nhân tố đều tồn tại ở Itaewon vào đêm hội Halloween đó. Đầu tiên, rõ ràng mật độ đã vượt quá 5 người/mét vuông, điều rất nguy hiểm. Thứ hai, có các làn sóng người khiến mọi người không đứng vững. Khi mật độ quá đông, chỉ một di chuyển nhỏ cũng có thể lan truyền qua đám đông và gây ra thêm áp lực. Thứ ba, tôi hiểu rằng nhiều người đã ngã liên hoàn - một số người ngã xuống, và nhiều người khác ngã lên họ”, chuyên gia Drury nhận định và chỉ ra thêm không gian xung quanh đã khiến các nạn nhân “bị ép vào từ hai bên”.
Theo song theo ông Drury, những người tham gia sự kiện dường như không nhận thấy nguy cơ này.
“Những người bước vào đám đông không thể thấy mật độ ở mức nguy hiểm trước mặt. Mọi người đã phải chịu đựng mật độ ở mức nguy hiểm ở nhiều sự kiện đông người”, ông nói.