Trong thỏa thuận vũ khí trị giá 6 tỷ USD, Warsaw đã đặt mua 1.000 xe tăng K2 và khoảng 600 pháo tự hành, cùng 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ từ các nhà sản xuất Hàn Quốc thay vì từ các đồng minh châu Âu. Đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào Ba Lan ngày càng tăng. Ví dụ, công ty Korea Hydro&Nuclear Power đã được giao nhiệm vụ xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân ở quốc gia châu Âu này.
Thương mại giữa hai nước cũng đang tăng đều đặn, đạt gần 1 tỷ USD vào năm 2021, trong đó Hàn Quốc có xuất khẩu sang Ba Lan cao hơn khoảng 100 triệu euro so với nhập khẩu. Văn phòng thủ tướng Ba Lan giải thích: “Đó là đỉnh cao của nhiều năm hợp tác và lòng tin được xây dựng trong một thời gian dài".
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Dukgeun Ahn nói: “Ba Lan đã là một đối tác đầu tư rất quan trọng của chúng tôi. Nhiều công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Ba Lan vì đây là một thành viên rất quan trọng của EU và có lực lượng lao động tốt cũng như khả năng tiếp cận tương đối thuận lợi với các đối tác lớn khác của châu Âu”.
Năm 2013, Hàn Quốc và Ba Lan đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Khi đó, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Bà Geun-hye cho biết vào năm 2013 rằng những điểm chung mang tính lịch sử của hai nước trong việc nhanh chóng hướng đến nền dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác.
Tiến sĩ Małgorzata Bonikowska, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế Ba Lan (CSM), nhận định: “Mối quan hệ được củng cố gần đây giữa Ba Lan và Hàn Quốc là nhờ một quyết định chiến lược được Hàn Quốc theo đuổi nhất quán đặc biệt”.
Thay vì tăng cường hợp tác với các cường quốc truyền thống của châu Âu, các nhà hoạch định chính sách ở Seoul dường như muốn Warsaw trở thành cửa ngõ vào phương Tây, hoặc ít nhất là với thị trường khu vực Trung Âu.
Bộ trưởng Dukgeun Ahn xác nhận nhiều công ty Hàn Quốc đã đến CH Séc, Slovakia, và những nước khác. “Hàn Quốc đã đặt cược vào Ba Lan trong ít nhất một thập kỷ, coi đây là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Trung và Đông Âu”, ông Ahn nói.
Bất chấp khoảng cách địa lý, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Ba Lan. Tổng đầu tư từ Hàn Quốc làm lu mờ hầu hết các nước ngoài EU, cạnh tranh với Mỹ để giành vị trí hàng đầu. Năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc vào Ba Lan đạt khoảng 1,9 tỷ USD.
Tiến sĩ Bonikowska lưu ý ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung và LG, quyết định đầu tư lớn vào Ba Lan. Các tập đoàn công nghiệp lớn từ lâu đã thống trị nền kinh tế Hàn Quốc đầu tư ở đâu thì các công ty khác có xu hướng đi theo.
Đại biện lâm thời Ba Lan tại Hàn Quốc cũng thông báo tại diễn đàn kinh doanh ở Seoul vào tháng 5/2022: “Một số lượng lớn các tập đoàn lớn Hàn Quốc đang có mặt ở Ba Lan". Phần đầu tư lớn nhất dành cho các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng và ô tô. Tuy nhiên, có lẽ điều dễ thấy nhất là hợp đồng xây dựng bốn lò phản ứng có công suất 1.400 MW/lò ở Ba Lan.
Đối với Warsaw, Seoul là một đối tác được hoan nghênh, vì Ba Lan luôn bất đồng với phần lớn châu Âu về các vấn đề liên quan đến pháp quyền và các quỹ của EU. Khi được hỏi về việc mua vũ khí từ các quốc gia ngoài EU, Chủ tịch đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền Jarosław Kaczyński đã nói rõ lập trường của mình: “Chúng tôi sẵn sàng mua ở các quốc gia khác, vì một số tranh cãi của chúng tôi trong Liên minh châu Âu”.