Một ví dụ điển hình là chiếc áo lót hình nón mang tính biểu tượng của “nữ hoàng nhạc pop” Madonna diện trong chuyến lưu diễn "Blond Ambition" năm 1990. Bộ trang phục đã nhanh chóng đi vào lịch sử làng thời trang, giúp nhà thiết kế người Pháp Jean Paul Gaultier trở thành cái tên quen thuộc vào đầu những năm 1990.
Từ chiếc váy đen giản dị của “chim sẻ nhỏ” nước Pháp Edith Piaf, cặp kính của danh ca Elton John cho đến phong cách đầy táo bạo của “ông hoàng thời trang phi giới tính” David Bowie, mỗi ngôi sao đều có cách thể hiện riêng qua trang phục mà họ lựa chọn.
Sự trở lại của các buổi trình diễn âm nhạc lớn sau thời gian phải tạm dừng do đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật mối quan hệ mang tính chất "cộng sinh" giữa các thương hiệu thời trang và các ngôi sao nhạc pop, đặc biệt là hai ngôi sao đình đám Beyonce và Taylor Swift, vốn đã là những nhân vật có ảnh hưởng lớn của xu hướng này.
Trong thời gian gần đây, các ngôi sao nhạc pop đang ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng đáng kể đối với xu hướng thời trang trên thế giới. Theo nền tảng thanh toán Klarna, doanh số bán chiếc mũ đính đá dáng cao bồi đã tăng gấp 16 lần sau khi được nữ ca sĩ Beyonce sử dụng trong chuyến lưu diễn “Renaissance” của mình.
Các hãng thời trang xa xỉ cũng ghi nhận doanh thu tăng đáng kể. Theo các chuyên gia dữ liệu từ Launchmetrics ước tính, nhà mốt Alexander McQueen đã kiếm được 7,7 triệu USD nhờ thiết kế các trang phục cho Beyonce. Tương tự, việc hợp tác giữa Taylor Swift và hãng thời trang Versace đã giúp doanh thu bán hàng của thương hiệu này tăng 6,3 triệu USD.
Trong một lần chia sẻ với tạp chí Vogue, nhà thiết kế David Koma tiết lộ một trong những thiết kế của anh đã được bán hết sạch trong vòng một ngày sau khi ca sĩ Beyonce mặc nó. Lượt theo dõi kênh mạng xã hội Instagram của nhà mốt này cũng tăng 53% trong vòng 1 tháng. Tất cả những điều trên đều chứng minh sức mạnh của người nổi tiếng trong việc thúc đẩy quảng bá thương hiệu cũng như mức độ tương tác của người tiêu dùng.
Các nhà thiết kế Dean và Dan Caten của Dsquared2, những người cũng đã từng thiết kế trang phục cho “ong chúa” Beyonce cho biết, mục tiêu của việc hợp tác với các nghệ sĩ lớn không chỉ tập trung vào doanh số bán hàng. Thay vào đó, việc nâng cao hình ảnh của thương hiệu và tận dụng khả năng hiển thị nhờ được liên kết với một nhân vật có khả năng thể hiện các giá trị thẩm mỹ của thương hiệu mới là điều cần được ưu tiên.
Trong chuyến lưu diễn “The Eras Tour” mới nhất của mình, ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ Taylor Swift đã mặc khoảng 13 bộ trang phục khác nhau trong mỗi đêm diễn, gồm những chiếc váy dạ hội bồng bềnh, những bộ trang phục đính sequin và không thể thiếu những đôi bốt cao, phụ kiện đi kèm. Tất cả đều được đặt may riêng từ các thương hiệu tên tuổi như Roberto Cavalli, Louboutin và Versace.
Mặc dù ban đầu các hãng thời trang thừa nhận Taylor Swift không phải là mẫu người phù hợp điển hình cho các nhà thiết kế của họ, tuy nhiên danh tiếng của Taylor Swift đã khiến cô trở thành một nhân vật hàng đầu trong làng thời trang. Những trang phục mà cô lựa chọn luôn được giới mộ điệu quan tâm, trong đó những Swifties (những người hâm mộ Taylor Swift) luôn cố gắng tìm kiếm những thông điệp tinh tế mà nữ nghệ sĩ muốn gửi gắm thông qua trang phục.