Khi Công chúa xứ York lần đầu gặp Hoàng tử Philip, bà không có ý định sẽ trở thành Nữ hoàng. Elizabeth mới 7 tuổi, làm phù dâu cho thím của mình là Công chúa Maria của Hy Lạp và Đan Mạch trong đám cưới với Công tước xứ Kent tại Tu viện Westminster.
Lúc đó Hoàng tử Philip, 12 tuổi, dự lễ cưới với tư cách em họ của cô dâu. Hai đứa trẻ hầu như không nói chuyện, nhưng các tờ báo nước ngoài đã nhanh chóng gọi Hoàng tử Philip là người chồng Hoàng gia xứng đôi vừa lứa với công chúa nhỏ.
Khi hai người gặp lại nhau, 5 năm sau, vào năm 1939 thì mọi thứ đã thay đổi. Bác của Elizabeth, cựu Vương Edward VII, thoái vị 3 năm trước đó. Cha của cô bây giờ là Vua nước Anh và Elizabeth là người thừa kế ngai vàng hàng đầu tiên.
Philip lúc này là một thiếu sinh hải quân 18 tuổi. Và châu Âu đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột kinh hoàng khi Thế chiến thứ hai sắp bùng nổ.
"Anh ấy nhảy cao làm sao!" Elizabeth thốt lên với phó mẫu của mình, Marion Crawford, vào tháng 7/1939 khi cô chứng kiến Philip nhảy bật qua lưới quần vợt tại trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth.
Elizabeth đã có một cuộc sống được gia đình bảo bọc, phần lớn thời gian cô chơi cùng em gái và phó mẫu. Khi tham quan trường Dartmouth với bố mẹ và em gái, cô choáng ngợp trước các học viên ngôi sao của trường, những người sẽ sớm được phục vụ quân đội Hoàng gia.
Sự ngưỡng mộ của Elizabeth hiển nhiên là với tất cả mọi người, nhưng cô hài lòng nhất là với người chú của Philip, Dickie Mountbatten, người mong mỏi sắp xếp một cuộc hôn nhân, vì chính ông sẽ là người có quyền lực đằng sau ngai vàng.
Khi hoàng gia rời Dartmouth trên du thuyền, đoàn học viên đã theo sau đưa tiễn trên một chiếc thuyền nhỏ, cho đến khi Nhà vua yêu cầu họ quay trở lại bờ. Tất cả học viên đều làm theo lời, ngoại trừ Philip vẫn tiếp tục chèo thuyền bằng tất cả sức lực của mình trong khi Elizabeth quan sát anh từ xa bằng ống nhòm.
Khi còn là đứa trẻ mới 18 tháng tuổi, Philip đã phải theo gia đình tháo chạy khỏi Hy Lạp sau một cuộc đảo chính. Sau vài năm bôn ba, gia đình ổn định tại Paris nhưng lại sớm chia lìa. Mẹ Philip, Công nương Alice, được đưa vào bệnh viện, cha ông ở với tình nhân. Philip được người chú Mountbatten gửi đến các trường nội trú ở Gordonstoun, Scotland trước khi đến Dartmouth.
Không được ở gần cha mẹ, Philip sống quấn quýt với chị em của mình, nhưng người chị thân yêu nhất của ông, Cecile lại qua đời trong một tai nạn máy bay khi đang mang thai 8 tháng. Những người chị em khác thì kết hôn với các sĩ quan Đức, đặt Philip và gia đình ông ở hai phía đối nghịch trong cuộc chiến.
Trong chiến tranh, Philip đã viết nhiều lá thư cho Elizabeth và đến Điện Buckingham ở cùng trong dịp Giáng sinh năm 1943.
Năm đó Elizabeth 17 tuổi. Công chúa không chỉ cuốn hút và thông minh, mà còn vui vẻ và thực tế, rất khác với người mẹ mong manh của Philip.
Khi chiến tranh kết thúc, Philip nghiêm túc chinh phục Elizabeth, thường đưa công chúa dự các buổi hòa nhạc và tới nhà hàng.
Điện Buckingham ban đầu vẫn do dự về cặp đôi. Nhà vua và Hoàng hậu mong muốn công chúa được “nhìn ngắm thế giới nhiều hơn” trước khi kết hôn, trong khi các triều thần xì xào về việc Philip là người “không lịch thiệp”, “nóng tính” và có thể dễ thay đổi. Mọi người đều không tin tưởng vào người chú mưu lược của Philip là Dickie Mountbatten.
Nhưng Elizabeth không mảy may dao động. Cô đã ấn tượng với Philip từ năm 13 tuổi, và chiến tranh khốc liệt chỉ càng làm tăng thêm sự lãng mạn trong lòng công chúa đang tuổi cặp kê.
Cuối cùng Vua George đã nhượng bộ và lễ đính hôn được công bố vào ngày 8/7/1947, ngày cưới được ấn định vào 20/11 cùng năm. Philip nhập tịch Anh, đổi sang họ ngoại Mountbatten và được phong làm Công tước xứ Edinburgh.
Thời đó, người ta lo ngại rằng một quốc gia chìm sâu trong suy thoái sau chiến tranh có thể sẽ né tránh một đám cưới xa hoa. Nhưng Thủ tướng Winston Churchill đã chọn sự tốn kém, gọi đám cưới là “một tia sáng sắc màu trên con đường gian nan mà chúng ta phải đi”.
Các vị khách hoàng gia đến từ khắp nơi trên thế giới để xem công chúa kết hôn trong chiếc váy lụa đính 10.000 viên ngọc trai. Trong số những người không được mời có ba chị em gái của Philip cùng những người chồng Đức của họ.
Vào đúng ngày 20/11/1947 tại Tu viện Westminster, Công chúa Elizabeth đã thề nguyện sẽ vâng lời chồng mình, điều mà về mặt kỹ thuật là không thể xảy ra khi bà trở thành là Nữ hoàng.
Philip đã quen với một cuộc sống năng động và hoàn thành tốt công việc tại Bộ Hải quân mà ông được giao. Hai người con đầu tiên của cặp đôi, Charles và Anne, sinh năm 1948 và 1950 khi gia đình sống tại Clarence House.
Có giai đoạn Philip đóng quân tại Malta và Elizabeth đã đến thăm chồng trong nhiều tháng. Ở đó, công chúa được sống tự do, chỉ đơn giản là vợ của một sĩ quan, tránh xa ánh mắt công chúng.
Đầu năm 1952, Elizabeth và Philip bắt đầu chuyến du lịch đến Kenya. Vào đêm 9/2/1952, Vua George VI qua đời trong giấc ngủ. Philip là người đầu tiên báo tin với vợ rằng người cha yêu quý của cô đã qua đời và họ lập tức trở về London.
Cái chết của Nhà vua là một cú sốc lớn đối với cả Elizabeth và Philip. Sức khỏe Vua George VI đã kém đi trong nhiều năm, dù ông còn khá trẻ, mới ở tuổi 56. Elizabeth và Philip đã mong đợi có thêm nhiều năm nữa được tự do. Nhưng bây giờ Philip đã là chồng của Nữ hoàng và mọi thứ đều thay đổi.
Cả gia đình nhỏ phải chuyển từ Clarence House đến Cung điện Buckingham kém thân mật hơn. Philip còn phải từ bỏ vai trò sĩ quan hải quân của mình.
Philip đã tin rằng vợ và các con sẽ mang họ của ông là Mountbatten. Nhưng Thủ tướng Winston Churchill và Hoàng hậu Mary – bà của Elizabeth đã quyết tâm giữ nguyên họ của Elizabeth là Windsor bất chấp nỗi buồn của Philip.
Tuy vậy, khi hai người con, Andrew và Edward chào đời năm 1960 và 1964, Nữ hoàng đã ban lệnh rằng bất kỳ hậu duệ nam nào không mang danh hiệu Hoàng tử đều phải mang họ kép “Mountbatten-Windsor". Đó là một chiến thắng nhỏ.
Philip vẫn phải chịu đựng nhiều thành kiến chống lại những nỗ lực nhằm tạo dựng một vai trò bản thân lớn hơn. Ông bị phản đối làm Chủ tịch Uỷ ban lễ đăng quang của Elizabeth. Giải thưởng Công tước Xứ Edinburgh do ông thành lập cũng bị một bộ trưởng chế giễu nặng nề.
Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn, chăm chỉ và không ngừng cống hiến, hỗ trợ Nữ hoàng thực hiện nghĩa vụ của mình, Hoàng thân Philip đã giành được sự tôn trọng và yêu mến của chính phủ cũng như thần dân.
Philip rất quan tâm đến công nghệ và là thành viên Hoàng gia đầu tiên được phỏng vấn trên truyền hình, khi ông thảo luận về việc học nghề của thanh niên trên đài BBC vào năm 1961. Ông còn tham gia "Royal Family", một bộ phim tài liệu được phát sóng năm 1969 khiến cả nước Anh say mê, với những hình ảnh đời thường rất dễ thương của gia đình hoàng tộc.
Hoàng thân Philip là người bảo trợ cho hơn 800 tổ chức, ông đặc biệt quan tâm đến động vật hoang dã và môi trường. Ông còn là chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới từ năm 1961 đến năm 1982.
Uy tín của chế độ quân chủ Anh đã xuống mức thấp sau cái chết của Công nương Diana, nhưng vào thời điểm diễn ra Lễ kỷ niệm Kim cương của Nữ hoàng vào năm 2012, sự nhiệt tình của công chúng Anh đối với Hoàng gia lại bùng nổ rõ ràng qua các lễ kỷ niệm trên khắp đất nước.
Trải qua những thăng trầm, Công tước Edinburgh là người bạn đồng hành kiên định của Nữ hoàng. Bà là vị quốc vương kết hôn lâu nhất và Công tước là vị hoàng tế phục vụ lâu nhất trên thế giới. Qua đời ở tuổi 99, ông đã sống thọ hơn bất kỳ hậu duệ nào khác của Nữ hoàng Victoria.
Một người đàn ông năng động, thông minh, không phải lúc nào cũng dễ dàng đi sau Nữ hoàng một bước. Nhưng, như Hoàng tử William đã nói, “ông hoàn toàn gạt sự nghiệp cá nhân của mình sang một bên để hỗ trợ bà, và ông không bao giờ chiếm ánh đèn sân khấu”.
Nhìn lại những hình ảnh về tình yêu bền chặt và lớn lao của Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip (Nguồn: NBC)