Theo đài RT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Berlin phải “ngay lập tức” ngừng sử dụng “các biện pháp cưỡng chế” đối với các công dân Nga đến nước này và giải thích rõ lý do tại sao họ lại thu giữ ô tô tư nhân của Nga. Yêu cầu được đưa ra khi nhân viên Dịch vụ Hải quan Đức tiếp tục thu giữ xe của công dân Nga tại biên giới giữa hai nước.
Nữ phát ngôn viên Zakharova nói với tạp chí Nga Mezhdunarodnaya Zhizn rằng các bước đi của chính quyền Đức “vượt xa cả những yêu cầu hoàn toàn bất hợp pháp của các gói trừng phạt chống Nga”.
Cả truyền thông Nga và Đức trước đó đều đưa tin rằng các quan chức hải quan của Berlin đã bắt đầu tịch thu các phương tiện cá nhân mang biển số Nga khi họ đến Đức. Điều này đôi khi được thực hiện đối với cả du khách Nga đi du lịch châu Âu bằng phương tiện giao thông cá nhân của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi coi những diễn biến này là sự lạm dụng quyền lực đối với công dân của chúng tôi và tài sản của họ”, đồng thời gọi các hành động của hải quan Đức là “hậu quả trực tiếp của chứng sợ Nga đang lan rộng ở Brussels”.
Các quan chức hải quan Đức đã xác nhận với tờ Berliner Zeitung rằng ô tô của công dân Nga đã bị thu giữ theo cái mà họ gọi là các quy định trừng phạt của EU. Một phát ngôn viên nói với tờ báo: “Hàng hóa bị cấm vận có thể được giữ lại hoặc bị tịch thu”.
Quan chức này cũng trích dẫn một quy định của EU có từ năm 2014 để biện minh cho các hành động của hải quan. “Xe khách và các phương tiện có động cơ khác được đăng ký ở đó [Nga] và do vậy về cơ bản là đối tượng của lệnh cấm”, quan chức hải quan trên nói thêm.
Tờ Berliner Zeitung đưa tin, những người lái xe ô tô vào Đức bằng ô tô mang biển số Nga giờ đây không chỉ bị tịch thu phương tiện mà còn có thể bị phạt nặng vì nhập cảnh trái phép.
Tờ báo của Đức còn gọi các hành động của hải quan nước này là “đáng chú ý” và “khắc nghiệt”, đồng thời nói thêm rằng cho đến nay chưa có quốc gia EU nào khác hành động theo cách tương tự. Một số luật sư đã kêu gọi khách hàng của họ liên hệ với Văn phòng Liên bang Đức về Bảo vệ Hiến pháp (BfV) - một cơ quan an ninh nội địa - về vấn đề này.
Bà Zakharova cho biết Đại sứ quán Nga tại Berlin đã gửi công hàm phản đối lên Bộ Ngoại giao Đức, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan hải quan đã yêu cầu cơ quan hải quan chấm dứt ngay những hành vi như vậy và những người bị ảnh hưởng phải được bồi thường thiệt hại tài chính và thiệt hại về tinh thần.
“Bất kể đó là sự thiếu hiểu biết pháp lý đơn giản của một số quan chức Đức… hay chính sách thận trọng của Berlin phù hợp với suy đoán không ngừng của EU về những lý do ‘bán hợp pháp’ cho việc tịch thu tài sản của Nga, những hành động như vậy sẽ không bị dừng lại nếu không có phản ứng thích hợp”, người phát ngôn Nga nói.
Bộ Ngoại giao Đức cho đến nay vẫn chưa bình luận về diễn biến trên.
Trước đó, trước thông tin hải quan Đức tịch thu một số ô tô mang biển số Nga, viện dẫn các lệnh trừng phạt, các chuyên gia pháp lý Nga cũng cho rằng chính quyền đã hiểu sai các biện pháp trừng phạt của khối.
Luật sư người Nga Sergey Glandin nói với trang RBK (Nga) rằng những trường hợp này dường như bắt nguồn từ việc hiểu sai sâu sắc các lệnh trừng phạt của EU. Ông chỉ ra rằng có một sự khác biệt rõ rệt giữa việc chỉ lái một chiếc xe và nhập khẩu một chiếc vào khối.
Ông Vladislav Starzhenetsky, Phó giáo sư luật quốc tế tại Trường Kinh tế cấp cao của Nga, cũng lập luận rằng việc tịch thu ô tô mang biển số Nga dường như là một trường hợp “giải thích rất độc đáo về các biện pháp trừng phạt của châu Âu”. Ông Starzhenetsky kết luận: “Việc tịch thu một chiếc ô tô trong trường hợp này có vẻ như là một hành vi vi phạm cơ bản quyền sở hữu tư nhân", đồng thời cho biết thêm rằng còn rất nhiều “vùng xám” như vậy khi nói đến luật trừng phạt của EU.