Ngày 7/5, sau khi thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 11.231 ca, Nga đã vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 4 châu Âu và thứ 5 thế giới với 177.160 ca. Dịch bệnh hiện đã xuất hiện ở toàn bộ 85 khu vực tại Nga, trong đó Moskva là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 92.676 ca nhiễm. Do đó, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin đã thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đồng thời người dân Moskva bắt buộc phải đeo khẩu trang và găng tay khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Quy định tự cách ly của người dân cũng được kéo dài đến ngày 31/5.
Theo ông Sobyanin, hiện còn quá sớm để mở cửa trở lại các nhà hàng, nhà hát và các trung tâm thể thao, tuy nhiên các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tại Moskva sẽ được nối lại hoạt động từ ngày 12/5 tới.
Moskva đã thực hiện lệnh phong tỏa kể từ ngày 30/3 và người dân tại đây chỉ được phép rời khỏi nhà để đi mua đồ hay ra ngoài khi có việc thiết yếu nhưng phải có giấy phép.
Trong khi đó, tại Pháp, giới chức nước này vẫn duy trì quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh tại thủ đô Paris, nơi dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ tuần tới nhưng ở mức hạn chế hơn so với các khu vực còn lại.
Pháp dự kiến từ đầu tuần tới (ngày 11/5) bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vốn được áp đặt từ hồi giữa tháng 3, sau khi số ca nhiễm và tử vong có dấu hiệu giảm dần. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết việc nới lỏng phong tỏa sẽ được thực hiện ở tất cả các khu vực, kể cả khu vực được phân loại ở mức đỏ (nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao), nhưng sẽ có những hạn chế nhất định. Các trường trung học và công viên tại các "khu vực đỏ" chưa được mở cửa trở lại. Các trung tâm mua sắm lớn sẽ được nối lại hoạt động trên cả nước nhưng riêng tại thủ đô Paris vẫn phải đóng cửa.
Trong khoảng 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa trên, người dân tại Pháp chỉ được phép ra ngoài để mua sắm hay có công việc khẩn cấp và đi làm. Mỗi lần ra ngoài phải khai báo với cảnh sát. Người vi phạm quy định phong tỏa sẽ bị phạt 135 euro và có thể tăng lên nếu tái phạm. Tuy nhiên, từ tuần tới, người dân có thể ra ngoài mà không cần được cấp phép, nhưng chỉ được di chuyển trong phạm vi 100 km từ nơi cư trú nếu có việc cấp thiết. Các cửa hàng cũng được mở cửa trở lại nhưng quán cafe và nhà hàng sẽ vẫn tạm ngừng hoạt động. Khoảng 80-85% trong số 50.500 trường học ở Pháp cũng có thể được mở cửa. Trên cả nước, những người trên 11 tuổi bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong khi tại Paris chỉ những người có giấy phép từ chủ lao động hoặc có nhu cầu cấp thiết mới được phép di chuyển trong giờ cao điểm. Các biện pháp hạn chế ở biên giới Pháp với các quốc gia Schengen, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác và Anh sẽ vẫn duy trì ít nhất đến ngày 15/6 tới. Quy định hạn chế đi lại đến các quốc gia ngoài châu Âu cũng vẫn giữ nguyên cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Tính đến tối 7/5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 178 ca lên tổng cộng 25.987 ca. Ngoài ra, Pháp cũng ghi nhận 23.208 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 775 ca so với hôm 6/5), trong đó có 2.961 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 186 ca). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp suốt 29 ngày qua. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 55.027 bệnh nhân COVID-19 ở nước này bình phục và ra viện. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác nhận thông qua xét nghiệm là 137.779 người.