Trong bản tin phát đi vào chiều 11/6, Reuters dẫn phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga là cần thiết.
Theo ông Peskov, tình hình ở lục địa châu Âu khá căng thẳng và nó bị kích động bởi các quyết định cũng như hành động thù địch mới chống lại Nga của các chính quyền châu Âu và trên hết là Washington.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Những hành động khiêu khích đó đang được tổ chức hằng ngày. Vì vậy, tất nhiên, những cuộc tập trận và việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu là rất quan trọng đối với chúng tôi".
Phát biểu của ông Peskov được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết quân đội nước này và quân đội Belarus đã bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật.
Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận này diễn ra tại Liên bang Nga, nhằm đảm bảo quân nhân và thiết bị quân sự của hai nước sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Xem video người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói về lý do Liên bang Nga tập trận hạt nhân. Nguồn: Reuters
Trong một phát biểu cùng ngày, khi được hỏi rằng Điện Kremlin phản ứng như thế nào đối với quyết định của Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho lữ đoàn Azov của Ukraine, ông Peskov nói rằng quyết định đó là “cực kỳ tiêu cực”.
Nguyên nhân là do lữ đoàn Azov là tập hợp của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là đơn vị vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Theo ông Peskov, sự thay đổi lập trường đột ngột này của Washington cho thấy rằng họ sẽ không dừng lại bất cứ điều gì trong nỗ lực làm tổn thương Liên bang Nga.
Trước đó vào ngày 11/6, tờ The Washington Post dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin: Chính quyền Biden sẽ dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép một đơn vị gây tranh cãi của Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ.
Lữ đoàn Azov được coi là lực lượng chiến đấu tương đối hiệu quả trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, 10 năm qua, đơn vị này đã bị cấm sử dụng vũ khí của Washington vì các quan chức Mỹ xác định rằng một số người sáng lập tổ chức này tán thành quan điểm phân biệt chủng tộc, bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời các quan chức nhân quyền của Liên hợp quốc cáo buộc nhóm này vi phạm nhân đạo.
Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, lữ đoàn Azov sẽ được tiếp cận sự hỗ trợ quân sự của Mỹ giống như bất kỳ đơn vị nào khác trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với lữ đoàn Azov phù hợp với mong muốn của các quan chức Ukraine, những người cho rằng lữ đoàn Azov có thể hoạt động hiệu quả hơn trong quá trình bảo vệ thành trì Mariupol vào năm 2022 nếu được tiếp cận với trang thiết bị, vũ khí của Mỹ.
Lữ đoàn Azov được lập nên từ một nhóm tình nguyện viên vào tháng 5/2014, đã chiến đấu trên tiền tuyến chống lại lực lượng ly khai ở Donetsk thuộc miền Đông Ukraine và chính thức trở thành một phần của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine vào ngày 12/11/2014.