Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Nga và nhiều nghị sĩ Nga đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Mỹ cấp thị thực hạn chế đối với Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko tới Mỹ tham dự các sự kiện của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức tại trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York.
Chuyến đi của phái đoàn nghị sĩ Nga do Chủ tịch Thượng viện Matvienko dẫn đầu tới New York không thể thực hiện được. |
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sau nhiều chậm trễ, cuối cùng Mỹ đã cấp thị thực cho bà Matvienko nhưng với nhiều hạn chế không thể chấp nhận được, do vậy chuyến đi của phái đoàn Nga không thể thực hiện được.
Một trong những hạn chế đó là bà Matvienko không được tham gia bất kỳ cuộc gặp và họp nào trong khuôn khổ IPU tại New York vì IPU chỉ mang tư cách quan sát viên tại LHQ. Với điều kiện này, chuyến đi của phái đoàn nghị sĩ Nga do Chủ tịch Thượng viện Matvienko dẫn đầu tới New York không thể thực hiện được.
Tuyên bố nhấn mạnh hành động của chính quyền Mỹ là "không thể chấp nhận" vì đã vi phạm thô bạo các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trái với các cam kết của các nước tổ chức các diễn đàn đa phương. Thực tế, hành động của Washington là cản trở Nga trình bày các quan điểm khác biệt với các quan điểm của chính quyền Mỹ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Evgheny Busmin đã đề nghị IPU chọn quốc gia khác để tổ chức các sự kiện. Ông tuyên bố đây là một tình huống đáng hổ thẹn và những người tổ chức hội nghị cần chọn một quốc gia khác có thái độ tôn trọng đối với những đại biểu tham dự hội nghị.
Thượng Nghi sĩ Nga Vadim Tyulpan cho rằng với việc cấp thị thực hạn chế cho bà Matvienko, Mỹ đã tỏ thái độ không tôn trọng không chỉ đối với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga mà còn đối với toàn thể nước Nga.
Thành viên Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng liên bang Igor Morozov đề nghị Nga cần mở rộng danh sách trừng phạt của Nga đối với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để đáp trả vụ việc này.
Nhiều nghị sĩ Duma quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đề nghị Chính phủ Nga áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả, trong đó có việc xem xét chấm dứt hợp tác trong các thỏa thuận về giải trừ quân bị, đồng thời xem xét lại hiệp ước START-3 (Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược).