Moskva cho rằng các đề xuất liên quan đến an ninh quốc tế nên được xem xét trong bối cảnh thực tế toàn cầu, sau khi Trung Quốc kêu gọi các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đàm phán một hiệp ước hạt nhân mới.
Theo đài RT, Bộ Ngoại giao Nga nói với nhật báo kinh doanh RBK rằng Moskva và Bắc Kinh ứng xử với các sáng kiến của nhau bằng sự quan tâm đặc biệt và tôn trọng sâu sắc, đồng thời nói thêm rằng cả hai quốc gia đều quyết tâm phát triển hơn nữa quan hệ song phương.
Bộ trên cho rằng đề xuất của Trung Quốc cần được xem xét dựa trên thực tế quân sự và chính trị, cùng với các yếu tố khác liên quan đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược. Họ cũng đặc biệt đề cập đến sự xấu đi trong mối quan hệ giữa “Năm cường quốc hạt nhân” (Nuclear Five) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Moskva nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu đối đầu giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân bằng cách loại bỏ “những mâu thuẫn cơ bản trong lĩnh vực an ninh” là vấn đề “ưu tiên tuyệt đối”.
Tháng trước, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Sun Xiaobo, đã kêu gọi các quốc gia hạt nhân thực hiện “trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên” về giải trừ vũ khí theo Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, nhằm ngăn chặn chiến tranh nguyên tử. Ông Sun Xiaobo cho rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân nên đàm phán và ký kết một hiệp ước về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại nhau hoặc đưa ra tuyên bố chính trị về vấn đề này.
Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, đã đình chỉ liên lạc trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đầu năm nay, Điện Kremlin đã bác bỏ đề xuất nối lại đối thoại của Washington, cho rằng điều này là không thể khi Nhà Trắng vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. Vào tháng 11/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật thu hồi quyết định phê chuẩn của Nga đối với lệnh cấm thử hạt nhân toàn cầu nhằm đáp trả Mỹ.
Ông Putin đã nhiều lần nói rằng Nga sẽ không bao giờ triển khai vũ khí hạt nhân trừ trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Nga hoặc có mối đe dọa quân sự phi hạt nhân đối với sự tồn tại của đất nước.
Gần đây hơn, hôm 6/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tái khẳng định rằng Nga sẽ chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa. Ông nói thêm, việc triển khai như vậy được mô tả là “vũ khí chia tay” trong học thuyết của Moskva về việc quản lý sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết này nêu rõ rằng Nga sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc các đồng minh phải hứng chịu đòn tấn công đầu tiên.
Trước đó, trong bản Thông điệp Liên bang hôm 29/2, Tổng thống Putin đã nhắc nhở "những kẻ có ý định xâm lược" rằng tất cả những nỗ lực trước đây nhằm chinh phục Nga đều kết thúc trong thất bại, đồng thời cảnh báo rằng “giờ đây hậu quả đối với những kẻ xâm lược tiềm tàng sẽ còn bi thảm hơn nhiều”. Ông nhấn mạnh rằng Nga có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, đang ở trạng thái “hoàn toàn sẵn sàng để triển khai”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng các quan chức phương Tây, dù có lẽ chưa hiểu đầy đủ về điều này, nhưng về cơ bản đang mở ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực với những lời lẽ ngày càng leo thang. Ông cũng bác bỏ các thông tin “vô căn cứ” của phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng Moskva đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân vào không gian vũ trụ và coi chúng là một âm mưu của Mỹ nhằm thúc đẩy Nga đàm phán theo các điều khoản do Washington đặt ra.