Wang Xiao, nhà nghiên cứu tại công ty cung cấp dịch vụ tài chính Guotai Junan Futures, có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định các yếu tố như chu kỳ kinh tế, lạm phát cao và sự xuất hiện của biến thể mới đã khiến giá hàng hóa biến động nhiều hơn.
Tuy nhiên, trước triển vọng tăng trưởng nhu cầu yếu đi và nguồn cung tăng mạnh trở lại, giá hàng hóa của Trung Quốc khó tiếp tục tăng trong năm tới.
Kim loại
Dự kiến, giá kim loại trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải sẽ giảm so với mức cao của năm nay, nhưng vẫn trên mức giá trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo Fitch Solutions, tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nửa cuối năm 2021 khiến nhu cầu tiêu thụ kim loại của Trung Quốc giảm. Do đó, nhu cầu sẽ phục hồi chậm lại trong năm 2022, khi triển vọng đối với ngành sản xuất ô tô, máy móc thiết bị và điện tử tiêu dùng vẫn khả quan.
Song, Fitch lưu ý đà giảm tốc của tăng trưởng tín dụng cũng như lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande sẽ hạn chế nhu cầu kim loại trong năm tới.
Trước tình hình trên, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên và giá thép trên Sàn giao dịch Thượng Hải được dự báo sẽ giảm mạnh hơn so với giá kim loại cơ bản, vốn có thể "neo" vào nhu cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện cũng như lượng tồn kho thấp.
Năng lượng
Giá than nhiệt tại Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu dự kiến sẽ giảm trong năm 2022 sau khi tăng kỷ lục trong năm 2021, nhờ các biện pháp thúc đẩy nguồn cung và bình ổn giá của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Wang cho rằng giá than hạ sẽ giúp giảm mức tăng của các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như nhôm và urê. Trong khi đó, một số ngân hàng trên thế giới và Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo giá dầu sẽ cao hơn trong năm tới do nhu cầu cải thiện, trong đó giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 79-88 USD/thùng.
Nông nghiệp
Nguồn cung toàn cầu thiếu hụt đã đẩy giá dầu ăn trong năm 2021 lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Vụ thu hoạch hạt cải dầu ở Canada ghi nhận sản lượng thấp nhất trong 14 năm do hạn hán nghiêm trọng. Trong khi tình trạng thiếu lao động, gián đoạn sản xuất và thiếu phân bón đã tác động đến sản lượng dầu cọ tại Đông Nam Á.
Các nhà phân tích dự báo hoạt động sản xuất vẫn yếu trong nửa đầu năm 2022, song tình trạng thiếu lao động dịu bớt sẽ thúc đẩy sản lượng và giúp hạ giá thành.
Trong khi đó, giá lợn hơi và trứng kỳ hạn tại Đại Liên đã giảm trong năm nay, trong đó, giá lợn kỳ hạn giảm 50% do cung vượt cầu và sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch trong nước và hoạt động của các nhà hàng.
Darin Friedrichs, đồng sáng lập công ty nghiên cứu nông nghiệp Sitonia Consulting, có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết khi các nhà sản xuất lớn giành được thị phần, giá lợn kỳ hạn sẽ lại khó tăng trong năm tới vì các công ty lớn hơn có khả năng tài chính để duy trì hoạt động trong thời kỳ thua lỗ so với các nông hộ nhỏ hơn. Theo đó, thị trường có khả năng bị dư cung lâu hơn và ảnh hưởng đến giá cả.