Trước khi phần lớn nước Mỹ bị phong tỏa vào tháng 3/2020, những khu Chinatown đã bắt đầu chịu những ảnh hưởng. Ngay từ Tết Nguyên đán, thời điểm đem lại nhiều doanh thu nhất trong năm, các thương gia trên cả nước đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm. Khi lệnh giới nghiêm bắt đầu được thực hiện, một số đã mất tới 70% doanh số do tâm lý kỳ thị người châu Á, lo ngại về virus và sự sụt giảm mạnh của du lịch quốc tế.
Trong hầu như cả năm, các chủ doanh nghiệp ở Chinatown hứng chịu thiệt hại ở hai mặt trận. Họ không những bị tổn thất nặng nề do đại dịch, mà họ còn chịu các gánh nặng từ những biến động chính trị, môi trường và xã hội: những lời lẽ bài bác châu Á của Tổng thống Donald Trump, các vụ cháy lớn ở Bờ Tây và các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.
Trong số hàng chục vùng đất của người Hoa trên khắp nước Mỹ, những vùng ở Seattle, San Francisco và New York là một số trong những khu vực lâu đời nhất, lớn nhất và dễ nhận biết nhất, đóng vai trò là trung tâm văn hóa và tài chính cho nhiều thế hệ người nhập cư châu Á. Giờ đây, họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồn tại trên quy mô chưa từng có.
Bất chấp thành công của các sáng kiến ăn uống ngoài trời, tình hình kinh tế của các khu phố có tuổi đời hàng chục năm ngày càng sa sút, không thể tạo ra đủ doanh số bán hàng để bù đắp khoản nợ bị tích lũy trong thời gian phong tỏa. Nhiều người trẻ tuổi hiểu biết về công nghệ đã bước lên và tiếp quản các doanh nghiệp gia đình, tung ra các đợt gây quỹ sáng tạo, nhưng khi đại dịch COVID bùng phát thành làn sóng thứ ba và các biện pháp bảo vệ trước đó, chẳng hạn như các lệnh trục xuất toàn thành phố, sắp hết hạn, có thể sẽ có thêm nhiều cửa hàng bị đóng cửa vĩnh viễn.
Justin Yu, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc ở New York, nói với NBC Asian America: “Tôi không lạc quan lắm về những gì sẽ xảy ra vào mùa đông này”.
Nguy cơ mất nhà ở New York
Khi thành phố New York triển khai chương trình “Nhà hàng mở” vào mùa hè này, nhằm mở rộng không gian ăn uống ngoài trời, khách hàng lại một lần nữa lấp đầy những con hẻm nhỏ ở Khu phố người Hoa của Manhattan.
Tuy nhiên, tín hiệu khả quan này không thể cứu được tất cả các doanh nghiệp và một số cơ sở kinh doanh lâu đời ở Chinatown đã phải đóng cửa hoàn toàn, bao gồm cả quán mì thủ công trứ danh 88 Lan Zhou, quán ăn tối được yêu thích Amazing 66 và quán dim sum nổi tiếng Hop Shing.
Trong khi đó, một số chủ nhà hàng nói rằng các quan chức dân cử đang phớt lờ mối quan tâm cấp bách nhất của họ: tiền thuê nhà quá hạn. Rose Wu, chủ cửa hàng ăn uống New Shanghai Deluxe, cho biết kể từ tháng 2/2020, bà đã phải gánh chịu khoản nợ 200.000 USD từ tiền thuê lại và các chi phí phát sinh khác.
Chìa khóa để phục hồi
Không chỉ nền kinh tế lung lay mới ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ. Các cuộc biểu tình địa phương về vấn đề bạo lực cảnh sát dẫn tới cái chết George Floyd đã tràn vào Khu Quốc tế của Seattle trong mùa hè năm ngoái, dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản tại hàng chục cửa hàng do người châu Á làm chủ.
Những người trẻ tuổi ở Seattle cũng đã đi đầu trong việc giúp các Chinatown phục hồi.
Vào tháng 2, nhà hoạt động Sarah Baker, 31 tuổi, đồng sáng lập một nhóm Facebook để chia sẻ thông tin và giúp đỡ các cửa hàng nhỏ ở Khu Quốc tế. Nhóm này đã phát triển nhanh chóng trong vài tuần đầu tiên và các thành viên đã quyên góp được hơn 16.000 đô la cho các nhà hàng và tổ chức phi lợi nhuận địa phương để trả lương cho gần 900 nhân viên y tế. Bà Baker cho biết thành phần đa thế hệ của Khu quốc tế góp phần tạo nên một cộng đồng chặt chẽ, tự cung tự cấp, và đây sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi của họ.
Giống như ở New York và Seattle, các thanh niên trẻ San Francisco cũng tham gia hỗ trợ khu phố của họ. Trong lần phong tỏa đầu tiên, Câu lạc bộ Dân chủ Rose Pak đã tạo một danh bạ trực tuyến về các nhà hàng ở Chinatown vẫn mở cửa để thu hút sự chú ý tới những thương gia không duy trì sự hiện diện trên mạng xã hội. Các thành viên cũng giúp cung cấp thức ăn cho những cư dân khó khăn ở trong các nhà ở công cộng và các khách sạn có phòng đơn.
Allan Low, một luật sư bất động sản đại diện miễn phí cho những người thuê nhà thương mại ở Chinatown, cho biết chỉ một số khách hàng của ông có đủ khả năng để trả tiền thuê nhà.
Ông Low nói, duy trì các cửa hàng bán lẻ tại chỗ là bước đầu tiên quan trọng để bảo vệ một trong những khu vực châu Á lâu dài và đa dạng về sắc tộc nhất của Mỹ, được thành lập vào những năm 1840. "Làm thế nào để bạn giữ gìn bản sắc văn hóa của thành phố nếu những doanh nghiệp này bị xóa sổ ?”, ông kết luận.