Các quốc đảo san hô vòng như Tuvalu, Tokelau và Kiribati chỉ nằm trên mực nước biển vài mét và được cho là nơi dễ bị tổn thương nhất thế giới khi Trái Đất nóng lên, với lo ngại rằng người dân nơi đây sẽ trở thành những người tị nạn khí hậu do nước biển dâng cao.
Nhưng nghiên cứu trên đã phát hiện rằng các đảo này "thích ứng tốt về hình dạng" với môi trường vì chúng được cấu thành từ bộ xương của các sinh vật nhỏ bé trú ngụ trên đá ngầm, chứ không phải là toàn bằng đá cứng. Theo nghiên cứu trên, mỏm đảo đã cao dần lên trong khi toàn bộ vùng thân đảo di chuyển dọc theo đá ngầm bên dưới.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Murray Ford, thuộc trường Đại học Auckland, cho biết các đảo đá ngầm dưới mực nước biển dường như có sức chống chọi tốt hơn chúng ta nghĩ trước đây. Ông nói: "Các tác động lên từng đảo sẽ khác nhau, vì vậy trong khi một số khu vực có thể trở thành nơi không thể sinh sống, nhiều khu vực khác sẽ theo kịp sự dâng lên của nước biển". Theo ông, các chính phủ và các cộng đồng sẽ phải quyết định ứng phó như thế nào, nhưng nghiên cứu đã cho thấy thực tế là thiên nhiên tạo ra một hình mẫu về thích nghi và các cộng đồng sinh sống ở đảo có thể cũng cần thích nghi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ số ra tuần này. Cũng nhóm nghiên cứu này hồi năm ngoái đã sử dụng các hình ảnh chụp từ trên không và thấy rằng khu vực đất của 9 đảo san hô vòng và 101 đảo đá ngầm của Tuvalu đã dâng cao 2,9% trong những năm 1971-2014.
Khái niệm cho rằng biến đổi khí hậu khiến người dân đảo tại Thái Bình Dương sẽ mất nhà cửa là một vấn đề nhạy cảm tại các quốc đảo san hô vòng. Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương, gồm 18 nước thành viên, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Tuvalu tháng 8 tới, với biến đổi khí hậu là chủ đề chính trong chương trình nghị sự.