Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hiện tượng này đã lan rộng đến mức chủ đề “những người trẻ đang mong đợi N+1” đã đứng đầu danh sách tìm kiếm của mạng xã hội Xiaohongshu hôm 14/8. Thuật ngữ “N+1” đề cập đến khoản trợ cấp thôi việc cộng với một tháng lương mà các công ty ở Trung Quốc có nghĩa vụ phải trả cho nhân viên theo luật.
Các mạng xã hội cũng đã chứng kiến làn sóng người trẻ bày tỏ mong muốn bị công ty đuổi việc để được thoát khỏi áp lực và theo đuổi lối sống “tang ping”. Trong tiếng Trung, “tang ping” nghĩa là nằm xuống, mô tả lối sống nằm thẳng cẳng, mặc kệ sự đời, thay vì phải làm việc suốt một đời để cống hiến và trang trải cuộc sống.
Trên nền tảng mạng xã hội Douban, một bài viết có tiêu đề “Hôm nay là một ngày khác nghĩ đến chuyện nghỉ việc” đã thu hút sự chú ý. Người có tài khoản @Yongyouyibeikuaileshui cho biết cô mong muốn được công ty sa thải.
Cô gái trẻ nói rằng cô không hài lòng với ban quản lý của công ty, trưởng nhóm, đồng nghiệp và không thể đối mặt với việc quay trở lại thị trường việc làm cạnh tranh của Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16 - 24 tuổi đã đạt mức cao kỷ lục trên 20% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và chỉ giảm xuống 19,9% trong tháng 7.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ niềm vui sau khi nhận được khoản trợ cấp N+1. Một cô gái trẻ thông báo rằng cô đã “may mắn” nhận được “món quà sa thải N+1” từ công ngay khi nhận được thị thực du lịch vừa nộp đơn.
“Tôi định xin nghỉ phép năm, nhưng bây giờ tôi được nghỉ hè,” cô nói.
Một người khác mô tả khoản trợ cấp nghỉ việc của cô là “khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần” và “một phần thưởng hoàn hảo”.
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, vốn là điểm đến chính của những người lao động trẻ có trình độ học vấn, đã chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên lớn nhất trong những tháng gần đây.
Theo báo cáo thu nhập của công ty, tập đoàn trò chơi điện tử và nhắn tin Tencent Holdings đã cắt giảm gần 10.000 việc làm từ tháng 3/2022 đến đầu năm nay. Năm ngoái, Công ty thương mại điện tử Alibaba, cũng đã cắt giảm gần 20.000 nhân viên, chiếm 7% lực lượng lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đang trở thành vấn đề đáng báo động. Nếu so sánh, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại 3 quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 6,5%, 6,4%, 4,7%, thì con số tại Trung Quốc đang cao hơn gấp 3 lần. Theo các chuyên gia, xu hướng thất nghiệp năm 2023 chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí Citigroup cho rằng con số này có thể tăng lên mức 25% trong bối cảnh thị trường lao động nước này đón con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên ra trường năm nay.
Song trái ngược với làn sóng tìm cách bị sa thải để được nghỉ việc, những câu chuyện về người trẻ tuổi tạo thêm nhiều ngành nghề mới cũng ngày càng phổ biến ở quốc gia tỷ dân. Họ được coi là niềm hy vọng để tạo thêm nhiều việc làm mới cho thị trường lao động Trung Quốc.
Một sinh viên có biệt danh Phi Phi đến từ thành phố Hàng Châu, tiết lộ cô bắt đầu làm nhiếp ảnh gia kiêm người đồng hành từ tháng 7. Đến nay, cô nhận được 36 đơn đặt hàng và kiếm thêm khoản tiền không nhỏ.
Trước đó vào tháng 7, một phụ nữ 29 tuổi ở Tây Nam Trung Quốc gây chú ý khi chia sẻ “mẹo kiếm tiền” từ nghề mới. Cô gái đưa ra kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch dành cho trẻ nhỏ. Với những kiến thức có được, cô gái dạy trẻ nhỏ nắm bắt kiến thức từ du lịch và trải nghiệm thực tế.