Ông Chris Humphrey nói thêm: “Đông Nam Á đã nhận thấy lợi ích của điều này khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng và tôi cho rằng những động thái gần đây của Trung Quốc không thay đổi xu hướng đó”.
Trong báo cáo được đưa ra vào tháng 9/2022, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc nhận định xu hướng tách rời không chỉ mang tính một chiều. Ông Xu Chengwei tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng chính Trung Quốc cũng đang tách rời khỏi phương Tây.
Các hạn chế nghiêm ngặt về dịch COVID-19 của Bắc Kinh là lý do chính khiến các nhà đầu tư do dự đối với thị trường Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, vẫn có những lo ngại rằng nước này có thể thay đổi.
Một mối lo khác là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, ông Frederick Kliem nhận định rằng Mỹ có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, có khả năng là những lệnh trừng phạt trên phạm vi rộng mà châu Âu có thể phải tuân thủ.
Một nghiên cứu do công ty Rhodium Group (Mỹ) công bố vào tháng 9/2022 cho thấy đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc ngày càng tập trung quanh một số ít các công ty lớn, chủ yếu là của Đức. Ba nhà sản xuất ô tô lớn của Đức - Volkswagen, BMW và Daimler - và tập đoàn hóa chất BASF chiếm 1/3 tổng đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2021.
Mười nhà đầu tư hàng đầu của châu Âu chiếm 71% tổng số tiền đầu tư vào Trung Quốc tính riêng năm 2021 và chiếm đến 88% vào năm 2019. Năm 2021, giá trị của các thương vụ mua lại của châu Âu tại Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm.
Cùng thời điểm này, các quốc gia Đông Nam Á đã thu hút các nhà đầu tư châu Âu. Một ví dụ là tập đoàn sản xuất đồ chơi khổng lồ Đan Mạch LEGO trong tháng 11/2022 đã khởi công nhà máy 1 tỷ euro tại Việt Nam. Đây là cơ sở trung hòa carbon, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, công ty Hà Lan Harvest Waste cũng dự kiến xây nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng hiện đại nhất châu Á tại Cebu, Philippines.
Năm 2021, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tư khoảng 26,5 tỷ USD vào 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Con số này trong năm 2020 là 18,5 tỷ USD và năm 2019 là 6,1 tỷ USD. Tại hội nghị thượng đỉnh EU - ASEAN tổ chức vào tháng 12/2022 tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết đầu tư 10 tỷ euro vào khu vực này theo chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU.