Kênh CNN (Mỹ) đưa tin mức lương tối thiểu hiện nay của Hong Kong là 40 đô la Hong Kong/giờ (5,1 USD), tăng so với mức 37,5 đô la Hong Kong/giờ trước đó.
Theo Cục Điều tra và Thống kê Hong Kong, mức lương trung bình mỗi giờ tại thành phố vào năm 2022 là 77,4 đô la Hồng Kông (9,86 USD). Mức lương tối thiểu không áp dụng cho lao động giúp việc người nước ngoài - một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế và xã hội của Hong Kong. Trong khi đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hong Kong từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2022 đã tăng trên 7%.
Mức lương tối thiểu lần đầu tiên được thiết lập tại Hong Kong vào năm 2011 với kế hoạch sẽ được xem xét lại sau mỗi hai năm. Tuy nhiên, nó đã bị giữ nguyên ở mức trước đó vào năm 2021 do nền kinh tế đặc khu hành chính này bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Khi đó các nhà chức trách lập luận rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo “thêm áp lực lên doanh nghiệp” và nguy cơ cắt giảm việc làm lương thấp.
Năm 2022, Hong Kong cùng với thành phố Los Angeles (Mỹ) đứng ở vị trí thứ 4 trong Chỉ số phí sinh hoạt thế giới do Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist (Anh) công bố. New York (Mỹ), Singapore và Tel Aviv (Israel) giữ 3 vị trí đầu.
Tuy nhiên, New York có mức lương tối thiểu là 15 USD/giờ còn Los Angeles là 16,78 USD/giờ, Tel Aviv trong khoảng từ 8,27 USD-8,45 USD/giờ tùy thuộc vào tổng số giờ làm việc. Singapore đưa ra các mức lương tối thiểu khác nhau tùy thuộc vào nghề nghiệp, chỉ áp dụng cho công dân và thường trú nhân.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam đánh giá mức lương tối thiểu mới tại Hong Kong vẫn thấp so với mức một gia đình 2 thành viên tại đây có thể nhận qua chương trình an sinh xã hội và điều này sẽ làm mất động lực của người lao động. Oxfam cho rằng chính quyền Hong Kong nên tăng lương tối thiểu lên 45,4 đô la Hong Kong/giờ (5,78 USD).
Nhưng người đứng đầu Cục Lao động và Phúc lợi Hong Kong Chris Sun vào tháng 1 tuyên bố rằng “nhiều người thà làm việc hơn là nhận phúc lợi xã hội vì họ nghĩ rằng điều đó có nhiều giá trị hơn trong cuộc sống của họ”.