Tại Áo, cơn bão với sức gió hơn 100 km/giờ đã đổ bộ vào chiều 18/8, làm đổ cây khiến 5 người thiệt mạng, gây ra tình trạng mất điện buộc công ty đường sắt quốc gia Áo OBB phải ngừng toàn bộ dịch vụ đường sắt ở phần lớn khu vực tại 2 tỉnh miền Nam Styria và Carinthia, giáp biên giới Slovenia và Italy. Nhiều đường sá tại 2 tỉnh này cũng phải đóng cửa.
Tại Italy, cơ quan cứu hộ nước này cho biết các trận bão mạnh hoành hành tại một số vùng ở nước này sau các đợt nắng nóng nghiêm trọng kéo dài trong nhiều tuần trước. Theo các nhà khí tượng học, sức gió lên tới 140 km/giờ tại một số vùng ở miền Bắc Italy, tàn phá các khu nghỉ dưỡng trên bãi biển ở vùng Liguria và Tuscany. Bão lớn làm đổ cây, khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương ở vùng Tuscany. Người đứng đầu vùng Tuscany Eugenio Giani đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực.
Trong khi mưa gió hoành hành ở miền Bắc Italy, phần lớn miền Nam nước này vẫn đang hầm hập trong cái nóng như thiêu như đốt, với nhiệt độ lên tới gần 40 độ C ở nhiều nơi tại vùng Sicily.
Tại Pháp, một cơn bão mạnh ngoài dự báo đã càn quét đảo Corsia của nước này ở Địa Trung Hải, làm ít nhất 6 người thiệt mạng.
Mưa đá, mưa to và gió lên tới 224 km/giờ đã càn quét đảo này vào sáng 18/8, tàn phá những địa điểm cắm trại, buộc dịch vụ đường sắt phải ngừng hoạt động và làm đổ cây cối.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn Pháp Meteo France, các trận bão hình thành ở ngoài khơi sẽ ảnh hưởng tới các vùng rộng lớn ở phía Tây đảo Corsica từ đêm 18/8 đến đêm 19/8.
Trên đất liền, nhiều hộ gia đình bị mất điện sau khi bão đổ vào các tỉnh Loire và Ain miền Nam nước này.
Bão hoành hành khi nhiều vùng của nước Pháp ghi nhận lượng mưa trong vài giờ cao hơn lượng mưa gộp lại trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, tại Romania, hạn hán kéo dài đe dọa làm giảm sản lượng nông nghiệp tại phần lớn các tỉnh của nước này trong năm nay.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Romania cho biết hạn hán đã ảnh hưởng tới 375.423 ha đất trồng trọt tại 33 trong số 41 tỉnh của nước này, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, khoảng 54% thiệt hại được ghi nhận trong hoạt động trồng lúa mì và lúa mì đen, 17% trong trồng trọt ngô và 16% ở hạt cải dầu và cây hoa hướng dương.
Theo số liệu chính thức, sản lượng lúa mì của nước này giảm 18% so với năm ngoái. Dự báo, sản lượng hướng dương cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán buộc người nông dân phải tiến hành thu hoạch sớm hơn nhiều so với thường lệ.