Theo tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 17/10, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi vừa khởi động chuyến công du khu vực lịch sử nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia Arab, một động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và những bất ổn địa chính trị hiện tại.
Jerusalem Post lưu ý việc ông Araghchi thực hiện chuyến công du này không chỉ thể hiện nỗ lực của Iran trong việc khẳng định vị thế của mình trong khu vực mà còn cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Tehran và Tel Aviv trong hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Israel chưa từng thực hiện bất kỳ chuyến công du khu vực nào như vậy hoặc không thể mở rộng hoạt động kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chuyến công du đặc biệt và mục tiêu chiến lược
Chuyến đi của Ngoại trưởng Araghchi có các điểm dừng chân tại Jordan, Ai Cập, Liban, Syria, Saudi Arabia, Qatar, Iraq và Oman. Đây là một chuỗi chuyến công du chưa từng có trong lịch sử gần đây của Ngoại trưởng Iran, đặc biệt khi so sánh với sự "im lặng ngoại giao" của người đồng cấp Israel kể từ thời điểm cuộc xung đột tại Gaza bùng phát.
Chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu Iran mang một mục tiêu rõ ràng: gia tăng sự ủng hộ đối với Iran trong bối cảnh căng thẳng xung quanh cuộc xung đột Israel - Hamas và Israel - Hezbollah. Theo hãng thông tấn Iran IRNA, chuyến công du của ông Araghchi nhằm "tăng cường nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn hành động tấn công của Israel đối với Gaza và Liban". Trên cơ sở đó, Ngoại trưởng Araghchi đã có cuộc gặp với Vua Abdullah II của Jordan và Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi, những người thường chỉ trích Israel.
Có thể nói, ông Araghchi đã bắt tay ngay vào công việc để thay thế cố bộ trưởng ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian, người đã tử nạn trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5 vừa qua. Ông Araghchi đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tích cực của Iran, nhằm tạo dựng quan hệ tốt hơn với các quốc gia láng giềng khi đến thăm Liban, Syria, Saudi Arabia, Qatar, Iraq và Oman trong vài tuần qua.
Ngoài ra, theo Jerusalem Post, Iran đã và đang sử dụng chuyến công du này để cô lập Israel liên quan đến xung đột ở Gaza và Liban. Chuyến đi của Ngoại trưởng Araghchi rất quan trọng vì ông không chỉ đến thăm những quốc gia có lịch sử gần gũi với Iran hoặc những nơi mà Iran có lợi ích, chẳng hạn như Liban hay Iraq; mà ông còn tiếp cận những quốc gia có hòa bình với Israel và gần gũi với phương Tây, chẳng hạn như Jordan và Ai Cập.
Chuyến công du này không chỉ mang ý nghĩa về mặt ngoại giao mà còn thể hiện sự quyết tâm của Iran trong việc tăng cường hợp tác khu vực. Mối quan hệ giữa Iran và các quốc gia Arab, đặc biệt là Ai Cập và Saudi Arabia, đang trên đà cải thiện. Iran đã tiến gần hơn đến việc hòa giải với Ai Cập, một động thái có thể củng cố vị thế của Tehran trong khu vực. Cụ thể, tại Cairo, ông Araghchi nhấn mạnh rằng cả Iran và Ai Cập đều là những "cường quốc lịch sử và văn minh", đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông. Ông kỳ vọng vào các cuộc đàm phán quan trọng với các quan chức cấp cao của Ai Cập nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.