Mục đích của Tổng thống Ukraine khi thành lập Bộ Thống nhất Quốc gia

Ukraine đã thành lập một bộ mới tên là Bộ Thống nhất Quốc gia. Quốc hội Ukraine thậm chí đã bổ nhiệm bộ trưởng mới là ông Oleksiy Chernyshov, cựu lãnh đạo tập đoàn Naftogaz.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày kế hoạch thành lập Bộ Thống nhất Quốc gia mới vào ngày 19/11. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Theo tờ Kyiv Post ngày 5/12, xuất hiện nhiều câu hỏi về việc thành lập cơ quan mới này – cơ quan thay thế Bộ Tái hòa nhập Lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng.

Thông tin thành lập bộ mới này được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố trong một cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan ngoại giao Ukraine.

Ông nói: “Hàng triệu người dân của chúng ta ở nước ngoài, các mối liên kết và quan hệ của họ với Ukraine, bảo vệ lợi ích chung của chúng ta với tư cách là một dân tộc, tất cả sẽ thuộc trách nhiệm của cơ quan mới này. Đây sẽ là Bộ Thống nhất Quốc gia Ukraine và chống ảnh hưởng của Nga đối với người Ukraine”.

Chức năng chính của bộ này là kết nối người Ukraine ở nước ngoài và tăng cường mối quan hệ với Ukraine; đáp ứng nhu cầu giáo dục, văn hóa và thông tin của người Ukraine ở nước ngoài; chống tuyên truyền và ảnh hưởng của Nga lên các cộng đồng Ukraine ở nước ngoài.

Bộ mới sẽ đảm nhận việc hỗ trợ hồi hương người Ukraine từ nước ngoài – những người cần thiết cho Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh. Đồng thời, bộ này sẽ thúc đẩy đoàn kết và tạo ra các nội dung văn hóa, thông tin phù hợp với người Ukraine ở nước ngoài.

Bộ Thống nhất Quốc gia không được tạo ra từ đầu mà thực chất là đổi tên, thay đổi chức năng và tái định hình từ Bộ Tái hòa nhập Lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng (MinTOT). Điều này gây ra nhiều chỉ trích.

Một quan chức giấu tên cho biết: “Ban đầu dự kiến giải thể bộ cũ và lập một cơ quan chuyên trách tương tác với người Ukraine ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, bộ này đã được cải tổ. Nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng ta có giữ lại các chức năng liên quan đến các lãnh thổ bị chiếm đóng hay không”.

Bà Mariia Zolkina, nhà phân tích tại Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ilko Kucheriv, lo ngại rằng việc giảm các chức năng của MinTOT có thể gây tổn hại đến nỗ lực tái hòa nhập người Ukraine rời khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng.

Bà nhận định: “Việc này gửi một tín hiệu chính trị tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc thảo luận về kế hoạch của ông Donald Trump và các chiến lược đóng băng xung đột khác. Các lãnh thổ mà Nga kiểm soát vẫn tồn tại và chúng ta phải tiếp tục tương tác với những người rời khỏi đó, hỗ trợ người di dời… Bộ cũ từng là trung tâm của tất cả các chương trình liên quan đến người di dời, bao gồm cả việc điều chỉnh hệ thống giáo dục, như tạo điều kiện cho học sinh từ các lãnh thổ đó nhập học đại học. Liệu điều này có được tiếp tục không?”.

Ngân sách năm 2025 không phân bổ nguồn vốn cho bộ mới và ngay cả cấp bộ cũng chỉ nhận được kinh phí hạn chế.

Một số ý kiến cho rằng bộ mới đang lặp lại nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, vốn đã giải quyết vấn đề người Ukraine ở nước ngoài qua các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky lập luận rằng Bộ Ngoại giao không đủ sức giải quyết quy mô lớn của cộng đồng người Ukraine tại châu Âu, vốn tăng nhanh do chiến tranh.

Dù bị chỉ trích, nhưng nhiều người ủng hộ bộ mới và coi đây như một phản ứng cần thiết với vấn đề di cư hàng loạt.

Bộ Thống nhất Quốc gia có thể là một bước đi chiến lược nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tăng cường sự gắn kết của người dân Ukraine, nhưng liệu nó có thể đạt hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Ukraine thành lập Bộ Thống nhất Quốc gia trong bối cảnh truyền thông đưa tin rằng Ukraine có thể phải đổi lãnh thổ lấy hòa bình.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết Ukraine có thể đồng ý nhượng bộ về lãnh thổ cho Nga như một phần trong kế hoạch giải quyết xung đột do Washington đề xuất.

Theo kế hoạch này, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ tạm đình chỉ nhưng vẫn nằm trong chương trình nghị sự, bất chấp yêu cầu của Nga loại trừ hoàn toàn khả năng này. Kế hoạch dự kiến Ukraine sẽ từ bỏ một số lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nga để đổi lấy việc ngừng giao tranh. Tuy nhiên, nếu Moskva từ chối thỏa thuận như vậy, Mỹ sẽ có kế hoạch tích cực hơn nữa tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Theo các nguồn tin, yếu tố then chốt trong việc thực hiện cách tiếp cận này sẽ là các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Các cố vấn của ông Trump thừa nhận sự tham gia của ông vào các cuộc đàm phán sẽ là yếu tố quyết định đạt được thành công.

Kế hoạch của ông Trump cũng bao gồm việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, điều này cần đi đôi với việc duy trì các kênh ngoại giao với Nga. Đồng thời, Mỹ hy vọng rằng đề xuất bao gồm nhượng bộ một phần lãnh thổ sẽ có thể giảm bớt căng thẳng và mở đường cho đối thoại tiếp theo.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thư ký NATO cam kết tăng cường phòng không cho Ukraine
Tổng thư ký NATO cam kết tăng cường phòng không cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 5/12 (giờ địa phương) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ phòng không và cung cấp đạn dược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN