Những tảng băng khổng lồ tại Nam Cực. Ảnh: AP/TTXVN |
Nghiên cứu được tiến hành tại trung tâm của CSIRO ở thành phố Hobart thuộc bang Tasmania của Australia, nhằm đánh giá các mức độ nước biển dâng cao, chỉ ra rằng mực nước biển trung bình tăng từ mức 2,2mm mỗi năm vào năm 1993 lên mức 3,3mm mỗi năm vào năm 2014.
Cũng theo nghiên cứu, mực nước biển trung bình toàn cầu (GMSL) đã tăng với tốc độ nhanh hơn trong giai đoạn 25 năm qua và nhiều khả năng hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn.
Để có được số liệu trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dụng cụ đo độ cao kết nối với một vệ tinh nhằm xác định thời gian cần thiết để một tín hiệu rađa được truyền từ vệ tinh xuống biển, sau đó truyền tín hiệu ngược trở lại vệ tinh này.
Nhà khoa học Zhang Xuebin, chủ nhiệm dự án, cho biết đây là một nghiên cứu trên diện rộng, tích hợp tất cả các biện pháp đo lường chính xác. Nghiên cứu xem xét tình trạng nước biển dâng cũng như những yếu tố khác nhau góp phần khiến mực nước biển dâng, như hiện tượng tan băng.
Ông nhấn mạnh, thông qua các số liệu thu thập được từ những vệ tinh trên, có thể đưa ra những phân tích chi tiết về các mức độ thay đổi mực nước biển trong hơn 20 năm qua, từ đó cho thấy mực nước biển đã tăng từ thập kỷ thứ nhất sang thập kỷ thứ hai. Theo ông Zhang, biện pháp đo lường 25 năm này có thể tạo ra chuẩn mực cho tất cả các đánh giá tương lai về tác động của khí hậu đối với tình trạng nước biển dâng.