Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang lung lay vì các cuộc xung đột địa chính trị và thương mại, các quốc gia và nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong đầu tư vào vàng.
Một số quốc gia đã bắt đầu thu hồi vàng dự trữ nhờ ở nước ngoài hoặc tích cực mua kim loại quý trong những năm gần đây. Năm 2017, ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đã đem về 674 tấn vàng được lưu giữ tại Paris và New York từ hồi Chiến tranh Lạnh.
Đầu năm 2018, phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chỉ trong năm ngoái, Ankara thu hồi 220 tấn vàng từ nước ngoài, trong đó có 28,7 tấn gửi nhờ Mỹ. Cùng lúc, Ngân hàng Quốc gia Hungary công bố kế hoạch thu hồi 3 tấn vàng từ London (Anh).
Trong 10 năm trở lại đây, các ngân hàng trung ương các nước chuyển từ bán ròng vàng sang mua vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu về vàng trong quý đầu tiên năm nay đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số mua là 116,5 tấn.
Nga đứng thứ 5 trong số các quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất với gần 2.000 tấn. Nga là nước mua kim loại quý nhiều nhất trong sáu năm qua. Năm 2017, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua 224 tấn vàng thỏi với 106 tấn mua trong sáu tháng đầu năm nay. Ngân hàng Nga giải thích chiến lược này là một phần trong việc đa dạng hóa dự trữ của đất nước ngoại trừ đồng đô la Mỹ.
Gần 2/3 vàng của Nga được cất trong một kho lưu trữ rộng 17.000 m2 tại Ngân hàng Trung ương ở thủ đô Moskva .
Phần còn lại được lưu trữ tại thành phố St. Petersburg và thành phố Ural của Yekaterinburg. Vàng của Nga được lưu trữ ở dạng thỏi với trọng lượng từ 100 gram đến 14 kg.
Trong thời kỳ Sa hoàng, vàng được sử dụng để đẩy mạnh tiền tệ quốc gia. Năm 1894, trữ lượng vàng của Nga đạt 1.400 tấn, và lớn nhất thế giới cho đến năm 1914.
Các mỏ vàng của Nga chủ yếu nằm ở vùng Viễn Đông Magadan. Loại kim loại này cũng được khai thác ở Chukotka, Yakutia, Irkutsk và vùng Amur, Zabaykalsky Krai, cũng như ở các vùng của Sverdlovsk và Chelyabinsk, các nước cộng hòa Buryatia và Bashkortostan.