Mục tiêu của Mỹ khi ký thỏa thuận hải quan với Uzbekistan

Theo trang tin Ukrainetoday.org, Uzbekistan và Mỹ mới đây đã ký một thỏa thuận hợp tác hải quan.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (cbp.gov)

Mục tiêu là nhằm ứng phó với các nỗ lực của Nga trong việc lách các lệnh trừng phạt từ phương Tây thông qua nhập khẩu song song. Như vậy, thỏa thuận này không chỉ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước mà còn có thể tác động lớn đến các chiến lược của Moskva trong việc tiếp cận hàng hóa thông qua các quốc gia trung gian.

Thỏa thuận, được ký tại Washington, D.C, giữa Cơ quan Hải quan Uzbekistan và cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), đã củng cố quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. Sự hợp tác này tập trung vào chia sẻ dữ liệu và tăng cường giám sát luồng thương mại qua lãnh thổ Uzbekistan, nhằm chặn Nga sử dụng các kênh thương mại trung gian để lách lệnh trừng phạt.

Việc ký kết thỏa thuận trên là một dấu mốc quan trọng trong hơn ba thập kỷ quan hệ giữa Uzbekistan và Mỹ. Theo trang Gazeta.uz, thỏa thuận mở ra cánh cửa mới cho hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Uzbekistan trở thành quốc gia thứ 19 ký kết thỏa thuận tương tự với Mỹ về chia sẻ dữ liệu hải quan, tiếp nối các quốc gia khác đã cùng hợp tác trong cuộc chiến chống hoạt động thương mại bất hợp pháp và buôn lậu.

“Đây là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Uzbekistan, mở rộng mối quan hệ đối tác vốn đã chặt chẽ của chúng tôi về an ninh biên giới và các vấn đề thương mại. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đánh giá cao mối quan hệ đối tác của chúng tôi với Uzbekistan trong việc theo đuổi mục tiêu chung là thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn và tạo thuận lợi thương mại hiệu quả hơn”, Troy A. Miller, quan chức cấp cao của CBP nói.

Ngăn chặn chuỗi cung ứng song song của Nga

Điểm đáng chú ý trong thỏa thuận này là cung cấp thông tin chính xác hơn cho Mỹ về các luồng thương mại đi qua Uzbekistan, đặc biệt là các giao dịch có thể liên quan đến các hoạt động nhập khẩu song song của Nga. Những nỗ lực này sẽ làm phức tạp thêm việc Nga mua hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm công dụng kép có thể phục vụ cho các mục đích quân sự và công nghiệp thông qua các quốc gia trung gian như Uzbekistan.

Mỹ và các đồng minh cho rằng Nga đã sử dụng nhập khẩu song song như một chiến lược chính để tránh các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại do phương Tây áp đặt từ sau cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022. Theo phương Tây, thông qua việc sử dụng các quốc gia như Uzbekistan và các nước trong khu vực, Nga đã tìm cách tiếp tục tiếp cận với các mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế và quân sự của mình. Thỏa thuận hợp tác giữa Uzbekistan và Mỹ sẽ tăng cường giám sát các hoạt động này, giúp Mỹ chặn các hoạt động thương mại vi phạm lệnh trừng phạt của họ.

Mở rộng hợp tác hải quan và chống tội phạm quốc tế

Thỏa thuận không chỉ dừng lại ở giám sát hoạt động thương mại mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như chống buôn bán ma túy, buôn người, tội phạm quốc tế và trốn thuế hải quan. Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho Uzbekistan, đặc biệt về số hóa hệ thống hải quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giám sát chặt chẽ hơn. Đây là một bước đi nhằm tăng cường tính minh bạch và khả năng quản lý hải quan của Uzbekistan, đồng thời góp phần vào cuộc chiến chống các hoạt động thương mại bất hợp pháp trên toàn cầu.

Nhân việc kí kết thoả thuận, phái đoàn Uzbekistan cũng đã có cơ hội tham quan Trung tâm Theo dõi mục tiêu Quốc gia của Mỹ, nơi theo dõi hành khách và hàng hóa để phát hiện các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn. Chuyến tham quan này bao gồm khảo sát trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ và một điểm giao cắt đường sắt tại biên giới Mexico - Mỹ, cho thấy sự quan tâm của Uzbekistan trong việc học hỏi từ các phương pháp quản lý biên giới tiên tiến của Mỹ.

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Uzbekistan đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng 48% trong 6 năm qua và 64% chỉ tính riêng từ đầu năm nay. Tiềm năng tăng trưởng hơn nữa trong quan hệ thương mại song phương vẫn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hai bên ngày càng hợp tác chặt chẽ về nhiều lĩnh vực. Thỏa thuận hải quan này chỉ là bước đầu trong việc củng cố quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, mở ra tiềm năng cho các dự án thương mại và đầu tư mới.

Với thỏa thuận hải quan này, Uzbekistan đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của mình trong cấu trúc hợp tác quốc tế về thương mại và an ninh, đồng thời cho thấy sự cam kết của nước này trong việc tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm và thương mại bất hợp pháp. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo ukrainetoday.org)
Uzbekistan tránh né lời đề nghị của Nga về việc thắt chặt quan hệ?
Uzbekistan tránh né lời đề nghị của Nga về việc thắt chặt quan hệ?

Dù Nga nỗ lực thuyết phục Uzbekistan gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và tăng cường hợp tác chiến lược, Tashkent đã khéo léo tránh né những cam kết chính trị sâu rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN