Chuyển giao giữa năm cũ và Năm Mới luôn là thời khắc quan trọng, vui vẻ và thiêng liêng nhất. Nó quy tụ những phong tục độc đáo, thể hiện những giá trị cuộc sống trong niềm lạc quan với hiện tại và mơ ước tốt đẹp về tương lai. Có thể nói tất cả các nước trên thế giới đều tổ chức đón Năm Mới, trong đó có rất nhiều phong tục lạ và độc đáo.
Anh: Tranh nhau ra giếng gánh nước
Người Anh quan niệm người đầu tiên bước vào nhà khi năm mới đến phải là người trẻ trung, khỏe mạnh. Ảnh: Internet |
Theo truyền thống ở Anh, mọi người đều ăn một bữa rất thịch soạn vào giao thừa. Người Anh cho rằng nếu như bữa ăn cuối năm không thừa rượu, thịt thì năm sau sẽ nghèo túng.
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và Năm Mới cũng là lúc bắt đầu nghi lễ chúc mừng Năm Mới như mở toang các cửa nhà và chuẩn bị những chiếc bánh mỳ đen cho khách đến xông nhà. Người đến xông đất không cần gõ cửa mà cứ thế đi thẳng vào trong nhà. Người Anh quan niệm rằng để mang lại sự may mắn và an lành cho gia chủ thì người đầu tiên bước vào nhà khi Năm Mới đến phải là người đàn ông trẻ trung, khỏe mạnh và ưa nhìn. Người đàn ông đó phải có mái tóc đen và khi đến nhà phải mang theo một viên than đá nhỏ, tiền, bánh mỳ và muối. Những thứ đó đều tượng trưng cho sự giàu có và sung túc. Ngược lại, người Anh kỵ người đến xông nhà là cô gái có mái tóc vàng nhạt, hoặc là người nghèo túng, vì họ cho rằng những người đó sẽ mang lại vận xui, khó khăn và vận hạn cho gia chủ trong cả năm đó.
Ở các vùng nông thôn miền trung nước Anh, người dân còn có phong tục tranh nhau ra giếng gánh nước lúc giao thừa. Họ tin rằng, người nào gánh được gánh nước đầu tiên sẽ là người hạnh phúc nhất; gánh nước đó sẽ mang lại may mắn và sung túc suốt cả năm.
Ngoài ra, trong ngày đầu tiên của Năm Mới, người Anh khi ra khỏi nhà đều mang theo một túi tiền, gặp ai bất kể người quen hay người lạ đều tặng tiền. Họ cho rằng làm như vậy không chỉ khiến cho người được tặng tiền có một Năm Mới nhiều tiền tài mà cũng mang lại may mắn cho chính bản thân mình.
Đức: Kẹp vảy cá trong các tập tiền
Trẻ em Đức nhảy múa trên đường phố đón chào Năm Mới đến. Ảnh: Internet |
Người Đức rất coi trọng việc đón Năm Mới, họ cho rằng đón Năm Mới như thế nào có liên quan đến vận mệnh của cả năm. Trong đêm giao thừa, mọi người đều thắp đèn, đốt đuốc để “xua đuổi tà ma”. Người Đức có câu tục ngữ: “Bữa cơm thịnh soạn đêm giao thừa, cả năm sẽ tràn đầy cá thịt”, do vậy bữa cơm cuối năm của họ vô cùng thịnh soạn.
Lễ đón Năm Mới ở Đức kéo dài trong một tuần.15 phút trước giao thừa, mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy từ ghế xuống và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào Năm Mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn ácmônica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc, theo sau các em nhỏ cùng ca hát đón chào Năm Mới.
Người Đức nổi tiếng là tiết kiệm, nhưng họ cũng để lại một phần các món trong bữa ăn đầu tiên của Năm Mới cho đến sau nửa đêm để đảm bảo rằng năm tới, đồ ăn của mình không bao giờ hết. Ngoài ra, người ta còn cho vào tủ đựng thức ăn một con cá chép vì tin rằng nó mang lại sự thịnh vượng.
Ở các vùng nông thôn của Đức còn lưu truyền phong tục “thi leo cây”. Người nào leo càng cao sẽ gặp càng nhiều may mắn trong Năm Mới. Người leo cao nhất sẽ được tôn vinh “anh hùng của năm” và được mọi người ngưỡng mộ.
Trong dịp Năm Mới người Đức cũng có tập tục mặc quần áo mới. Họ cho rằng mặc quần áo mới sẽ khiến mọi việc được như ý. Ngoài ra, người Đức còn có phong tục kẹp vảy cá vào trong các tập tiền, vì họ quan niệm rằng vảy cá và cá là những thứ mang lại may mắn trong Năm Mới. Trong các ngày Tết, người Đức sẽ làm bánh mỳ, bánh bao thành hình tròn, hình bát giác, hình trái tim hoặc hình chóp, vì theo họ những hình này có thể loại bỏ những điều không tốt trong Năm Mới.
Ácmênia: Vợ không được nhận quà
Bữa ăn dịp Năm Mới của người Ácmênia rất phong phú về màu sắc. Ảnh: Internet |
Người Ácmênia xưa đã từng tổ chức đón Năm Mới vào ngày 21/3. Ngày này không chỉ là ngày đầu tiên của mùa xuân mà còn là ngày sinh của thần Vahangu. Nhưng đến thế kỷ 18, người Ácmênia đã coi ngày 1/1 là ngày đầu tiên của Năm Mới.
Khi Năm Mới đến, người Ácmênia có phong tục cho trẻ em tập trung thành nhiều nhóm đi vòng quanh làng và hát vang những bài hát chúc mừng Năm Mới tới những người hàng xóm. Và thường thì trẻ nhỏ nhận được rất nhiều hoa quả như là những món quà mừng tuổi.
Trong dịp Năm Mới, người Ácmênia còn có phong tục các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, song điều đặc biệt là người vợ không bao giờ được nhận quà từ chồng, bởi họ quan niệm rằng nhận quà từ chồng có nghĩa là người vợ bị ghét bỏ. Đối với con cái, người con út sẽ đi theo người anh hay chị cả để đến chỗ người cha đang giấu những món quà bên trong chiếc áo choàng. Chúng hôn lên bàn tay của cha và nhận được những món quà từ cha mình.
Bữa ăn là phần không thể thiếu trong các ngày lễ Tết. Bữa ăn dịp Năm Mới của người Ácmênia rất phong phú về màu sắc của các món thịt. Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò. Người Ácmênia thường chuẩn bị nhiều hoa quả khô, nho khô và nhiều loại hạt khác nhau, đặc biệt là hạt Gahin, thứ hạt không thể thiếu trong những ngày Tết.
Pháp: Uống hết rượu trong nhà để đón Năm Mới
Đêm giao thừa, người Pháp có phong tục uống tất cả rượu trong nhà. Ảnh: Internet |
Trước kia, Pháp lấy ngày 1/4 làm ngày đầu tiên của Năm Mới. Đến năm 1564, Vua Charles IX đã đổi thành ngày 1/1. Trong đêm giao thừa, mọi người trong gia đình quây quần và uống tất cả rượu có trong nhà. Người Pháp quan niệm làm như vậy thì trong Năm Mới sẽ được vạn sự như ý, nếu như uống rượu không hết thì trong Năm Mới sẽ gặp nhiều xui xẻo. Cũng vì thế có câu nói “người Pháp dùng rượu để chào đón Năm Mới”. Trong sáng mồng 1 Tết, các bậc phụ huynh thường tặng con cái tiền mừng tuổi để thể hiện sự quan tâm, yêu thương.
Một điều đặc biệt nữa là vào sáng sớm ngày mồng 1 Tết, người Pháp có thói quen nhìn hướng gió để xem thời tiết trong năm mới. Nếu là gió nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, Năm Mới sẽ bình an; nếu là gió tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt; nếu là gió đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió bắc thì đó là năm mất mùa.
Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho trùng với 12 tiếng chuông
Người Tây Ban Nha có phong tục lúc giao thừa ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông. Ảnh: Internet |
Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu thời khắc chuyển qua Năm Mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Người nào có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ thì người đó sẽ gặp may mắn cả năm, làm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. Ví dụ, quả nho thứ nhất là “cầu bình an”, quả thứ năm “hòa thuận”, quả thứ sáu “loại bỏ khó khăn”, quả thứ bảy “loại bỏ bệnh tật”…
Một số nơi ở Tây Ban Nha còn có tục lệ trước Năm Mới không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười to đón Năm Mới để cầu mong sự an khang thịnh vượng.
Dịp Năm Mới, những người lớn trong gia đình rất “hiền từ”, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ nhỏ. Bởi theo phong tục của người Tây Ban Nha, việc trẻ con hỗn hào, đánh nhau và khóc lóc trong dịp này đều báo hiệu điềm không lành. Ngoài ra, trong dịp Năm Mới, người Tây Ban Nha cũng có phong tục đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng trên người để cầu may mắn.
Bungari: Mong được hắt hơi
Sau khi chuông điểm 12 tiếng, người Bungari sẽ tắt đèn trong vòng ba phút và bắt đầu ăn bánh đặc biệt của Năm Mới. Ảnh: Internet |
Trong đêm giao thừa đón Năm Mới, điều mà những người Bungari mong muốn nhất khi ngồi xung quanh bàn ăn là có thể... hắt hơi. Theo quan niệm của người Bungari, chỉ người nào hắt hơi mới có thể mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người trong gia đình. Người chủ nhà sẽ tặng một con cừu, bò hay ngựa cho người đó để mang lại hạnh phúc cho mọi người trong gia đình mình.
Sau khi chuông điểm 12 tiếng, người Bungari sẽ tắt đèn trong vòng ba phút sau. Trong thời gian đó, họ bắt đầu ăn bánh đặc biệt của Năm Mới. Trong những chiếc bánh này có rất nhiều món quà nhỏ. Người nào ăn trúng chiếc bánh có một đồng xu nhỏ, người đó sẽ đặc biệt may mắn trong Năm Mới, đặc biệt là về tiền tài.
Dịp Năm Mới, người Bungari thường chặt các cành tùng, rồi dùng các tấm vải đủ màu sắc cuốn lên đó. Họ đưa những cành tùng được trang trí này cho trẻ con để đến nhà người thân chúc Tết. Người Bungari cho rằng nếu dùng các cành tùng này đánh nhẹ vào người khác tức là mang đến cho người đó một Năm Mới tràn đầy hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, mọi sự như ý.
Ở một số vùng phía nam của Bungari còn có một tập tục để trẻ con cầm đá đi chúc Tết. Người dân ở đây tin rằng các viên đá này tượng trưng cho sự giàu có. Khi trẻ con mang theo những viên đá đến chúc Tết sẽ được chủ nhà tặng nhiều bánh kẹo và hoa quả.
Lê Hải (tổng hợp)