Biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump tại New York ngày 4/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là đề xuất mới mà giới chức Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan trà trộn vào nước này.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ ngày 8/2, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cho hay biện pháp trên là một phần trong nỗ lực kiểm tra lý lịch đối với những đối tượng có thể gây đe dọa đối với an ninh quốc gia nước này và là yêu cầu đặc biệt đối với những công dân thuộc 7 quốc gia có phần đông người Hồi giáo như Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - các nước được liệt kê trong sắc lệnh cấm nhập cảnh mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kelly lý giải rằng việc kiểm tra lý lịch của các công dân đến từ 7 nước trên là rất khó khăn, song yêu cầu này sẽ giúp nhà chức trách Mỹ biết rõ hoạt động cá nhân của từng đối tượng trên mạng xã hội, qua đó sớm phát hiện những đối tượng có tư tưởng cực đoan.
Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc này, song việc siết chặt kiểm tra lý lịch đối với cá nhân xin cấp thị thực nhập cảnh Mỹ chắc chắn sẽ được tiến hành trong thời gian tới bất chấp quá trình xin cấp thị thực bị kéo dài lâu hơn. Ông cũng cảnh báo rằng những người từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này sẽ khó được chấp thuận nhập cảnh Mỹ.
Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính giới, hệ thống tư pháp tại nhiều bang liên quan
sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua. Theo quyết định này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Ông Trump cho rằng sắc lệnh này là nhằm bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa khủng bố của các đối tượng cực đoan. Tuy nhiên, Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington đã ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh này với lý do quyết định trên đi ngược với Hiến pháp Mỹ.