Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Thomas Wright và Gabriel Zucman, các công ty Mỹ nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp trên thế giới tìm đến các "thiên đường thuế". Tại đây, họ chỉ phải chịu mức thuế thu nhập khoảng 7%.
Trong bảng xếp hạng các thiên đường trốn thuế của nghiên cứu này, Ireland đứng ở vị trí số 1 với mức thuế 5,7%. Tổng số lợi nhuận kinh doanh mà các công ty Mỹ đăng ký ở quốc gia này cao hơn hẳn so với tổng lợi nhuận đăng ký tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Mexico cộng lại.
Cũng theo báo cáo, trong nhóm các quốc gia phát triển thì Mỹ có số lợi nhuận đăng ký tại các thiên đường trốn thuế cao nhất. Nghiên cứu này được thực hiện trước thời điểm Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế và tháng 12/2017, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải đưa các khoản lợi nhuận về nước và được hưởng mức thuế thấp.
Báo cáo cũng chỉ ra mức thuế thu nhập mà các công ty đa quốc gia của Mỹ (không hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ) phải chịu đã giảm từ 35% từ những năm 1990 xuống còn 20% trong những năm gần đây.
Cải cách thuế mới được áp dụng hồi tháng 12/2017 cũng cho phép các tập đoàn Mỹ đóng thuế thu nhập 21%, thấp hơn so với mức 35% trước đó đối với những khoản lợi nhuận được tạo ra trong lãnh thổ Mỹ. Với những khoản lợi nhuận từ nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ phải đóng mức thuế 8% hoặc 15,5% thanh toán một lần tùy thuộc vào loại hình tài sản khi đưa những khoản lợi nhuận này về nước.
Các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và dược phẩm nhiều năm qua đã tích lũy lợi nhuận ở nước ngoài để tránh mức thuế cao tại quê nhà, từ đó có dược mức lợi nhuận sau thuế cao hơn để chia lại cho các cổ đông, trong đó có cả các cổ đông người nước ngoài.
Tổng lợi nhuận tiền mặt ở nước ngoài lên tới khoảng 2,5 nghìn tỷ USD vào thời điểm mà dự luật cải cách thuế được thông qua.