Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp Hội đồng Bảo an LHQ, ông Bashar Ja'afari cho rằng "Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại". Ông Bashar Ja'afari bày tỏ "sự ghê tởm" trước các vụ không kích chung của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào nước này. Thậm chí ông Bashar Ja'afari nhấn mạnh rằng nếu Mỹ biết chính xác những vị trí nào tại Syria là đang chế tạo vũ khí hóa học, Mỹ nên thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để tiến hành thanh sát các cơ sở tình nghi đó, thay vì việc ném bom.
Ông nói: "Nếu họ biết rõ vị trí tình nghi là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học, tại sao họ không chia sẻ thông tin với OPCW trước khi tấn công đất nước chúng tôi". Đề cập đến quận Barzeh ở thủ đô Damascus đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công, ông Bashar Ja'afari khẳng định rằng tòa nhà này đã được OPCW thanh sát 2 lần trong năm 2017 và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về khí hóa học cũng như không phát hiện thấy dụng cụ nào có thể được chế tạo thành vũ khí hóa học.
Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia một mặt ủng hộ quan điểm của Syria, một mặt cho rằng Mỹ và các đồng minh đã tiếp tục chứng minh họ không tôn trọng luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc tấn công mà chưa có bằng chứng cụ thể.
Cùng ngày, Malaysia cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành động tấn công quân sự vào Syria của Mỹ, Pháp và Anh, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa. Ngoài việc khẳng định sẽ không có giải pháp quân sự nào có thể chấm dứt được xung đột, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Malaysia kêu gọi tất cả các bên cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán và đối thoại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Syria. Phát biểu với báo giới, bà cho biết Indonesia đã liên tục theo dõi tình hình tại Syria, vì hiện có hàng ngàn người Indonesia sống ở đất nước này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh tất cả các bên cần tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ về hòa bình và an ninh quốc tế.