Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chủ trì cuộc thảo luận với những người đồng cấp Đức Heiko Maas và Anh Dominic Raab tại thủ đô Paris, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các Ngoại trưởng kêu gọi Iran "không có thêm bất cứ bước đi nào, đặc biệt liên quan đến việc ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung và hạn chế các hoạt động kiểm chứng của IAEA tại Iran". Mỹ và các đồng minh châu Âu nói trên hối thúc Iran "cân nhắc hậu quả của các hành động như vậy, đặc biệt là vào thời điểm xuất hiện cơ hội ngoại giao mới". Bốn Ngoại trưởng cũng bày tỏ quan ngại về những hành động gần đây của Iran làm giàu urani tới cấp độ 20% và sản xuất kim loại urani.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cho thấy Mỹ sẵn sàng thảo luận với Iran về Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuyên bố chung nêu rõ Ngoại trưởng Pháp, Anh, Đức "hoan nghênh việc Mỹ công bố ý định trở lại biện pháp ngoại giao với Iran" cũng như việc nối lại đối thoại với 3 nước châu Âu này.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nếu Iran tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận với Iran theo hướng này. Ngoài ra, các Ngoại trưởng cũng quan tâm đến việc tham vấn và phối hợp với Trung Quốc và Nga về vấn đề an ninh quan trọng này, cũng như việc công nhận vai trò của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là điều phối viên của Ủy ban chung.
Vài giờ sau cuộc họp trực tuyến, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Cơ quan Đối ngoại EU Enrique Mora đã đề xuất một cuộc họp không chính thức với Iran và phía Mỹ đã đồng ý. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận Mỹ sẽ chấp thuận lời mời của EU tham gia cuộc họp của nhóm P5+1 với Iran để thảo luận về biện pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Tehran.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh "thay vì dồn trách nhiệm vào Iran, các nước châu Âu cần tuân thủ cam kết và yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump". Ông khẳng định các biện pháp của Iran chỉ nhằm đáp trả các hành vi vi phạm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức trong thỏa thuận.
Trước đó, Iran cảnh báo Mỹ và 3 nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA rằng chỉ còn vài ngày để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt với Iran, nếu không Tehran sẽ ngừng thực hiện Nghị định thư bổ sung của IAEA. Ông Amir Abdollahian, Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Iran về các vấn đề quốc tế, cũng nhắc lại kế hoạch hành động chiến lược của Quốc hội Iran, trong đó yêu cầu chính phủ nước này chấm dứt quyền thanh tra toàn diện các cơ sở hạt nhân đã cấp cho IAEA, trong trường hợp chính quyền mới của Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận này.
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ ngày 18/2 thông báo nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại do chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với các nhà ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định này nhằm dỡ bỏ các rào cản không cần thiết đối với chính sách ngoại giao đa phương thông qua việc sửa đổi biện pháp hạn chế đi lại trong nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Iran sẽ vẫn phải đối mặt với các biện pháp hạn chế mà Washington áp đặt với những nước có quan hệ ngoại giao không tốt với Mỹ, theo đó họ sẽ vẫn cần được cấp phép để di chuyển xa hơn phạm vi bán kính 40 km từ trung tâm Manhattan.