Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng sức ép đối với Tehran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015.
Tuyên bố của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson nêu rõ: "Mỹ theo đuổi lộ trình ngoại giao có ý nghĩa để các bên cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận JCPOA". Ông Nelson nhấn mạnh: "Nếu không có thỏa thuận này, chúng tôi sẽ sử dụng các trừng phạt để hạn chế xuất khẩu dầu mỏ, các sản phẩm từ dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran". Ông cũng nói thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục nhắm vào các mạng lưới mà Iran sử dụng để né tránh các trừng phạt.
Theo JCPOA, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019. Đến tháng 4/2021, các bên đã nối lại đàm phán nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna (Áo) nhưng đến nay vẫn chưa thể nhất trí một thỏa thuận.
JCPOA đã gần như được cứu vãn hồi tháng 3/2022, nhưng các cuộc đàm phán lại rơi vào bế tắc liên quan đến việc liệu Washington có đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran ra khỏi danh sách "Các tổ chức khủng bố nước ngoài" của Mỹ hay không.