Mỹ bác bỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Nga

Đối đầu quân sự không nằm trong "lá bài" chiến lược của Mỹ đối với Nga, liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra ngày 28/8, trong bối cảnh tình hình tại quốc gia Đông Âu này có diễn biến căng thẳng, sau khi Kiev cáo buộc Moskva có hành động "xâm phạm trực tiếp" lãnh thổ Ukraine song phía Nga đã phủ nhận.

Mỹ để ngỏ khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Obama bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng binh lính Nga "xâm nhập" vào khu vực miền Đông Ukraine. Ông cho rằng hành động của Moskva làm gia tăng căng thẳng tại Ukraine và sẽ dẫn đến hệ lụy về kinh tế. Mặc dù đưa ra tuyên bố nhằm vào Nga nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn loại trừ các biện pháp quân sự hướng tới giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông chủ Nhà Trắng nêu rõ Washington có thể áp dụng hành động quân sự để bảo vệ các quốc gia Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng kế hoạch này sẽ không được thực hiện tại Ukraine. Ông Obama chỉ cam kết sẽ "kề vai sát cánh" để tạo cơ hội tốt nhất hỗ trợ Ukraine đối phó với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, để trấn an các đồng minh Đông Âu vốn đang lo ngại về khả năng can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine sau những cáo buộc gần đây của Kiev (dù phía Nga đã bác bỏ), Lầu Năm Góc thông báo sẽ điều chuyển hàng trăm binh lính và xe tăng tới Đông Âu để tham gia các cuộc tập trận với binh lính các nước NATO.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Trung tá Vanessa Hillman, nữ phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết khoảng 600 binh lính Trung đoàn số 1 thuộc Sư đoàn kị binh số 1 của Mỹ cùng với các xe tăng M-1 Abrams sẽ được triển khai tới Ba Lan và các nước vùng Baltic trong tháng 10 tới để thay thế cho lực lượng lính dù thuộc Trung đoàn dù 173. Số binh lính này đang đóng tại căn cứ Fort Hood ở bang Texas. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng đã điều chuyển các máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan và phối hợp thực hiện chức năng cảnh giới bầu trời với không quân các nước vùng Baltic.

Ngoài quyết định điều chuyển quân, chính quyền Washington cũng để ngỏ khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ, tình hình leo thang tại Ukraine khiến Washington phải cân nhắc các biện pháp gia tăng trừng phạt đối với Moskva. Một trong số đó là tập trung cung cấp viện trợ phi sát thương cho chính quyền Kiev. Bà Psaki khẳng định, Mỹ đang cân nhắc mọi hành động để đạt được một giải pháp thông qua con đường ngoại giao.

Theo kế hoạch, Mỹ và một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, sẽ thảo luận các biện pháp gia tăng trừng phạt để gây sức ép với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 30/8 và Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Anh) trong tuần tới.


TTXVN/Tin tức
Nga không có kế hoạch gia tăng trừng phạt phương Tây
Nga không có kế hoạch gia tăng trừng phạt phương Tây

Ngày 28/8, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Nga Denis cho biết Moskva hiện không có kế hoạch gia tăng các biện pháp trả đũa nhằm vào các nước phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN