Với 73 phiếu thuận và 23 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 28/12 đã thông qua một dự luật tiếp tục cho phép Chính phủ Mỹ giám sát các phần tử bị tình nghi là khủng bố ở nước ngoài mà không cần phải có trước lệnh của tòa án.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ đã "bật đèn xanh" cho Cơ quan An ninh quốc gia tiến hành các vụ nghe lén điện thoại và xem trộm thư điện tử nhằm phát hiện âm mưu khủng bố. Ảnh: Reuters
|
Đạo luật Theo dõi Tình báo nước ngoài nêu trên, được ban hành dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush, sẽ hết hạn vào cuối năm nay, được gia hạn thêm 5 năm các chương trình giám sát ở nước ngoài của giới chức tình báo Mỹ. Do đã được Hạ viện thông qua trước đó nên Thượng viện Mỹ sẽ chuyển dự luật này lên để Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn.
Văn kiện này cho phép chính quyền Mỹ tiếp tục theo dõi các cuộc điện đàm và thư điện tử (email) của công dân Mỹ với các đối tượng tình nghi là gián điệp hay khủng bố ở nước ngoài mà không cần trước lệnh của tòa án. Dự luật không được áp dụng với các nghi can là người Mỹ.
Các cơ quan tình báo của chính quyền Mỹ và lãnh đạo Ủy ban Tình báo Thượng viện khẳng định các thông tin thu được phải được giữ kín và sẽ là bất hợp pháp nếu biện pháp này nhắm vào công dân Mỹ mà chưa được lệnh của một tòa án giám sát đặc biệt của Mỹ.
Sau các vụ khủng bố 11/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush đã "bật đèn xanh" cho Cơ quan An ninh quốc gia tiến hành các vụ nghe lén điện thoại và xem trộm thư điện tử giữa các cá nhân sống trên lãnh thổ Mỹ với những đối tác ở nước ngoài nhằm phát hiện âm mưu khủng bố.
Trước đó, một đạo luật về theo dõi tình báo nước ngoài của Mỹ được ban hành hồi năm 1978 chỉ cho phép nghe lén điện thoại trong lòng nước Mỹ vì lý do an ninh. Chương trình nghe lén và xem trộm e-mail vẫn nằm trong vòng bí mật cho đến khi bị tiết lộ trên tờ "Thời báo New York" hồi tháng 12/2005.
TTXVN/Tin tức