Trong một bài phát biểu phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 14/10, Tổng thống Rouhani cáo buộc Mỹ đang sử dụng chiến tranh tâm lý và chiến tranh kinh tế, cũng như nghi ngờ tính hợp pháp của nước CH Hồi giáo để từ đó theo đuổi âm mưu thay đổi chính thể tại Iran. Thái độ thù địch Iran của chính quyền đương nhiệm tại Mỹ là gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Nhà lãnh đạo Iran khẳng định trong lịch sử, nước này đã nhiều lần khiến mưu đồ của Mỹ thất bại và sẽ tiếp tục đập tan những ý định đen tối của Washington với sự đồng lòng và đoàn kết của người dân.
Theo ông Rouhani, Washington đã bị cô lập sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 giữa nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) và Iran. Ngoài một số các nước, đa phần các nước trên thế giới đều coi quyết định này của Mỹ là "bất hợp pháp" và "sai lầm".
Đáp lại, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại Mỹ khẳng định lập trường của Washington là tìm kiếm một sự thay đổi trong cách hành xử của Iran, chứ "Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ". Theo người phát ngôn này, Tổng thống Trump sẵn sàng xúc tiến cuộc đàm phán với Iran và muốn có một thỏa thuận bao trùm các vấn đề như chương trình phát triển tên lửa, tài trợ cho khủng bố và cách hành xử của Iran trong khu vực.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, và đến tháng 8, Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này. Mỹ yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Iran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính.
Tuy nhiên, các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran vẫn cố gắng cứu vãn thỏa thuận và hôm 24/9 vừa qua đã nhất trí thúc đẩy thành lập một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.