Theo tạp chí Time ngày 12/12, Mỹ đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ Chính quyền Palestine quản lý Bờ Tây cũng như các nhà lãnh đạo và tổ chức toàn cầu khác sau khi phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
Hội đồng Bảo an đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần trước sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres viện dẫn Điều 99, một động thái hiếm hoi nhằm buộc phải bỏ phiếu về tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza, nơi 2 triệu người phải di tản. Cơ quan y tế ở Dải Gaza do Hamas điều hành cho biết 17.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch của Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas sau cuộc tấn công ngày 7/10 khiến 1.200 người thiệt mạng.
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, người lãnh đạo thực thể mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng có thể sẽ quản lý Gaza và Bờ Tây sau xung đột, cho biết trong một tuyên bố rằng quyền phủ quyết khiến Mỹ đồng lõa với “tội ác chiến tranh”.
Đại sứ các nước khác cũng chỉ trích quyền phủ quyết của Mỹ. Đại diện của Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun lưu ý về “tiêu chuẩn kép”, cho rằng việc dung thứ cho tiếp tục giao tranh trong khi “tuyên bố quan tâm đến tính mạng và sự an toàn của người dân ở Gaza” là mâu thuẫn với chính mình.
Đại diện Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy tuyên bố “các đồng nghiệp của chúng tôi từ Mỹ thực sự đã đưa ra trước mắt chúng tôi bản án tử hình đối với hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn thường dân ở Palestine và Israel”.
Trong khi đó, Nicolas de Rivière, Đại sứ Pháp tại LHQ nhấn mạnh bằng cách từ chối thống nhất và cam kết đàm phán, Hội đồng Bảo an đã thất bại trong nhiệm vụ của mình và tình hình ở Gaza sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó cũng đã kêu gọi ngừng bắn.
Về phần mình, Hamas cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng họ lên án mạnh mẽ quyền phủ quyết, đồng thời nói thêm “chúng tôi coi chính quyền Mỹ là đồng phạm trong việc sát hại người dân Palestine thông qua việc hỗ trợ chính trị và quân sự cho Israel để tiếp tục cuộc chiến hủy diệt trên Dải Gaza".
Một loạt các tổ chức toàn cầu, bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới cũng lên án quyền phủ quyết tương tự, cho rằng điều này sẽ khiến thương vong, tàn phá và thảm họa nhân đạo tiếp diễn.
Mỹ đã phủ quyết nghị quyết kêu gọi ngừng bắn do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ra và được hơn 90 quốc gia thành viên ủng hộ tại một cuộc họp ở thành phố New York. So với số phiếu ủng hộ của 13 thành viên trong Hội đồng Bảo an, Mỹ là quốc gia phủ quyết duy nhất, trong khi Anh bỏ phiếu trắng.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert A. Wood nói trước Hội đồng Bảo an rằng ông đã bỏ phiếu chống lại một “nghị quyết mất cân bằng, xa rời thực tế và sẽ không thể tiến lên trên thực địa theo bất kỳ cách cụ thể nào”.
Ông Robert A. Wood cho biết Mỹ vẫn không thể hiểu tại sao các nhà soạn thảo nghị quyết từ chối đưa vào ngôn ngữ lên án “cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng của Hamas” và không đề cập đến quyền tự vệ của Israel.
Mỹ cũng đề xuất bổ sung thêm ngôn ngữ về vai trò của mình trong ngoại giao, tăng cơ hội viện trợ nhân đạo, khuyến khích thả con tin, nối lại việc tạm dừng chiến đấu và đặt nền tảng cho hòa bình, nhưng ông Wood cho biết “gần như tất cả các khuyến nghị của chúng tôi đều bị phớt lờ”.
Trước đó cùng ngày, Đại sứ Wood cho biết Mỹ muốn có giải pháp hai nhà nước, nhưng không ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức vì “điều này sẽ chỉ gieo mầm cho cuộc chiến tiếp theo — do Hamas không mong muốn có một nền hòa bình lâu dài, để thực hiện một giải pháp hai nhà nước”.
Israel không phải là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ. Tờ Thời báo Israel (Times of Israel) đưa tin, đại sứ của nước này tại LHQ cho biết trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu rằng “một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các con tin được trao trả và Hamas bị tiêu diệt” .