Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing đã vi phạm nghĩa vụ trong một thỏa thuận năm 2021, vốn giúp nhà sản xuất máy bay này tạm thời không bị truy tố hình sự về các vụ tai nạn nêu trên.
Trong hồ sơ trình lên tòa án tại bang Texas, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Boeing đã không "thiết kế, triển khai và thực thi chương trình tuân thủ và đạo đức để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật chống gian lận của Mỹ trong suốt quá trình hoạt động của mình". Theo hồ sơ, Boeing có thể bị truy tố và Chính phủ Mỹ đang xác định cách thức xử lý vấn đề này.
Hồ sơ nói trên bao gồm một lá thư, trong đó Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ họ đã yêu cầu Boeing giải thích bản chất và hoàn cảnh của vi phạm, cũng như các hành động để giải quyết vụ việc trước ngày 13/6. Chính phủ Mỹ sẽ xem xét phản hồi của Boeing để xác định có tiến hành truy tố hay không. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ quyết định việc này trước ngày 7/7.
Hồi tháng 10/2018, một máy bay Boeing 737 MAX 8 do hãng hàng không Lion Air vận hành đã rơi trên vùng biển Indonesia, khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Đến tháng 3/2019, một chiếc Boeing MAX 8 do hãng Ethiopian Airlines cũng đã rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay Addis Ababa (Ethiopia), cướp đi sinh mạng của 157 người.
Thân nhân các nạn nhân trong hai vụ tai nạn trên cùng luật sư của họ lập luận rằng Boeing đã vi phạm thỏa thuận năm 2021 với các công tố viên về việc điều chỉnh để tuân thủ quy định. Các công tố viên liên bang trước đó đã đồng ý yêu cầu thẩm phán hủy bỏ cáo buộc hình sự đối với Boeing, với điều kiện công ty tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hoãn truy tố trong thời hạn 3 năm.
Tuy nhiên, ngày 5/1 - chỉ hai ngày trước khi thỏa thuận năm 2021 hết hạn, một máy bay Boeing 737 MAX 9 mới do hãng Alaska Airlines vận hành đã bị bung một phần thân trong quá trình bay. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra sâu rộng để xem xét liệu vụ việc này có liên quan vấn đề vi phạm thỏa thuận hay không.
Vào tháng 1/2021, Boeing chấp nhận chi trả 2,5 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hình sự về hành vi của công ty xung quanh các vụ tai nạn trong hai năm 2018 và 2019 liên quan máy bay 737 MAX. Nhà sản xuất máy bay Mỹ đã đồng ý bồi thường cho người thân của nạn nhân và xem xét lại các hoạt động tuân thủ của mình như một phần của thỏa thuận với các công tố viên.
Ông Paul G. Cassell - luật sư đạ diện cho gia đình các nạn nhân - đánh giá thông báo mới của Bộ Tư pháp Mỹ là "bước đầu tiên tích cực". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cơ quan này "cần có hành động tiếp theo để buộc Boeing phải chịu trách nhiệm". Ông cho biết các gia đình nạn nhân sẽ tổ chức cuộc họp với Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 31/5 tới để trình bày chi tiết đề xuất về "biện pháp khắc phục thỏa đáng đối với hành vi vi phạm của Boeing".